Quốc hội vẫn đang chờ Chính phủ trình luật Biểu tình

27/11/2019 18:14 GMT+7

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thông tin trên tại cuộc họp báo diễn ra chiều nay 27.11, về dự án luật Biểu tình .

Sau 28 ngày làm việc, chiều nay 27.11, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14.
Tại phiên họp, nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò, kế hoạch của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội liên quan đến lộ trình xây dựng luật Biểu tình.
Trả lời báo giới, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, luật Biểu tình và kể cả luật Hội không phải Quốc hội không quan tâm, mà vẫn đang phải chờ Chính phủ trình.
“Khi nào Chính phủ chuẩn bị chu đáo, thấu đáo trình ra Quốc hội thì các đại biểu sẽ cho ý kiến. Còn hiện tại, Chính phủ chưa báo cáo để đưa vào chương trình làm luật nên vẫn phải chờ, chứ không phải Chính phủ trình rồi mà Quốc hội không cho ý kiến để ban hành”, ông Phúc nói.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14, ông Phúc cũng thông tin, dự luật Biểu tình vẫn tiếp tục bị trì hoãn là do “chất lượng". Ông Phúc cho hay, dự luật này hiện đang do Chính phủ hoàn chỉnh.
Còn tại Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Hiến pháp 2013, Chính phủ cho biết, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục (do Chính phủ trình kèm theo Nghị quyết 718 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch thi hành Hiến pháp), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật, như bộ luật Dân sự, bộ luật Hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, bộ luật Tố tụng hình sự…
Trong 21 dự án còn nợ, có luật Chủ tịch nước và luật Tố tụng lao động đã được đề xuất không xây dựng; luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, luật về Hội, luật Biểu tình được rút ra khỏi chương trình, đang tiếp tục nghiên cứu.
Tại một phiên thảo luận mới đây, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, đối với luật Biểu tình, hầu như cả khóa 13 của Quốc hội không thấy trong chương trình xây dựng luật. Điều đó khiến đại biểu khó khăn, không biết nói gì khi cử tri hỏi.
Trong khi, đây là dự thảo luật mà theo đại biểu Quốc là rất khó khăn, rất tế nhị, rất nhạy cảm, nhưng những luật này lại rất phổ quát trên thế giới; đã được ghi trong Hiến pháp năm 1946.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.