Quốc hội xem xét, thảo luận hai dự thảo Luật

23/05/2009 18:52 GMT+7

Ngày 23/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, xem xét, thảo luận về Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp và Dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.

Đa số các đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo Luật nói trên cũng như sự cần thiết về sự cần thiết sớm ban hành 2 Luật này.

 
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tạo Hội trường về Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp và Dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài

Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp nên mở rộng phạm vi điều chỉnh

Các đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai), Vũ Duy Hòa (Thanh Hoá), Lê Minh Hồng (Hà Nam) cho rằng, Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp nên xây dựng chặt chẽ theo hướng mở rộng hơn nữa phạm vi điều chỉnh.

Đại biểu Lê Minh Hồng đề nghị là nên giao cho Bộ Tư pháp cơ quan quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp để tránh phình to về biên chế, trong khi Bộ Tư pháp đã và đang làm việc này do Chính phủ giao.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với dự thảo việc quy định thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp cấp quốc gia và đề nghị không thành lập các Trung tâm lý lịch tư pháp cấp tỉnh .

Một số ý kiến cho rằng, Điều 18 Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của cơ quan công an trong việc cung cấp thông tin lý lịch về án tích còn chưa chặt chẽ, bởi giữa tên Điều và nội dung ở Khoản 1 không khớp nhau, tên điều là "Nhiệm vụ của tổ chức" nhưng riêng Khoản 1 lại quy định là giao nhiệm vụ cho cá nhân theo Nghị định 113 của Chính phủ - giám thị là người đứng đầu trại giam, tức là cá nhân chứ không phải là tổ chức.

Có đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ hơn Điều 45 về thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp, làm rõ vai trò của người có thẩm quyền của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh), đặt vấn đề, Dự án luật cần quy định về số lượng bản chính, phiếu lý lịch tư pháp được cấp cho một cá nhân trên một lần yêu cầu.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng cho rằng, Khoản 4, Điều 16 quy định về nội dung của trích lục bản án hình sự sơ thẩm hoặc hình sự phúc thẩm, vấn đề này phải do Luật Tố tụng hình sự quy định, chứ không thể quy định trong Luật Lý lịch tư pháp. Đề nghị nghiên cứu, xem xét và bỏ Khoản 4 điều này.

Đảm bảo nguyên tắc nhất quán về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước

Có 17 ý kiến phát biểu, thảo luận về những vấn đề còn khác nhau của Dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Đa số các biểu thể hiện quan điểm đồng tình về việc ban hành Luật và cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Luật phải luôn đảm bảo được nguyên tắc tính nhất quán của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị việc xây dựng Dự thảo Luật nên sắp xếp các điều, khoản cho hợp lý hơn để thể hiện rõ các nội dung trong Dự thảo Luật và bảo đảm tính lo-gic, mối liên hệ giữa các điều.

Có ý kiến đề nghị cần bổ sung và làm rõ thêm chức năng, thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại tại quốc gia hay của Cơ quan đại diện của các cơ quan, bộ, ngành khác ở nước ngoài… Một số ý kiến cho rằng cần bổ sung chi tiết quy định rõ trách nhiệm của cán bộ biệt phái đối với cơ quan chủ quản. Theo đó, cán bộ biệt phái, bên cạnh việc chấp hành sự chỉ đạo và điều hành của người đứng đầu Cơ quan đại diện và có trách nhiệm báo cáo Người đứng đầu Cơ quan đại diện, còn có nghĩa vụ báo cáo cơ quan chủ quản trong thời gian công tác tại Cơ quan đại diện.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.