Với đa số đại biểu tán thành, sáng nay 29.6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV với 4 trưởng ngành: Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ VH-TT-DL và Tổng kiểm toán Nhà nước.
Quốc hội đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực.
Theo đó, với lĩnh vực TN-MT, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây nguyên.
Ngoài ra, đề xuất chính sách huy động nguồn lực thu gom nước thải, nạo vét, khơi thông dòng chảy, cải tạo cảnh quan tại các dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ưu tiên triển khai việc xử lý, phục hồi sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ - Đáy...
Trong năm 2024, hoàn thành việc lập, phê duyệt Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền). Tăng cường đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản.
Với lĩnh vực công thương, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử. Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong thương mại điện tử; đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Với lĩnh vực VH-TT-DL, Quốc hội yêu cầu xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, đồng bộ, đầu tư trọng tâm, trọng điểm phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao.
Xử nghiêm tham nhũng tiêu cực trong thể thao
Khẩn trương có giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả hoạt động của Khu liên hợp thể thao quốc gia. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
Với lĩnh vực kiểm toán, Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán những vấn đề "nóng", được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm.
Cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra. Có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với việc các đoàn kiểm toán đưa ra kết luận, kiến nghị không đầy đủ căn cứ pháp lý, thiếu bằng chứng.
Thực hiện công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội yêu cầu chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác. Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện khi trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Bình luận (0)