Cảnh tượng hỗn loạn tại đám tang của bà Shireen Abu Akleh ngày 13.5 |
reuters |
Theo The Times of Israel, hơn 10.000 người Palestine ngày 13.5 đã tham dự đám rước kéo dài khắp thành phố Jerusalem trong tang lễ phóng viên người Mỹ gốc Palestine Shireen Abu Akleh của hãng tin Al Jazeera.
Các cuộc đụng độ tại Bệnh viện Saint Joseph ở đông Jerusalem đã nổ ra sau khi người Palestine tìm cách khiêng quan tài của bà Abu Akleh ra ngoài và vẫy cờ Palestine để bắt đầu một đám rước.
The Washington Post đưa tin ông Antoine, anh trai của bà Abu Akleh, đã kêu gọi đám đông bình tĩnh và yêu cầu họ đưa thi thể của em gái lên xe tang.
Các sĩ quan Israel đã lao vào đám đông, sử dụng vũ lực với những người đưa tang và bắn lựu đạn choáng, khiến quan tài của bà Abu Akleh suýt đổ xuống đất.
Theo Trăng lưỡi liềm đỏ Jerusalem, 33 người bị thương trong cuộc rước, trong đó 6 người phải nhập viện.
Trong tuyên bố sau vụ việc, cảnh sát Israel cho biết họ đã can thiệp vì những kẻ bạo loạn đã mang quan tài của bà Abu Akleh ra khỏi bệnh viện trái với mong muốn của gia đình và ngăn không cho quan tài được đưa lên xe tang. Cảnh sát cũng cho biết những người ở gần quan tài đã ném đá, đồ vật vào các sĩ quan trong "cuộc bạo loạn" và bắt giữ 6 người.
Phóng viên bị bắn chết, người Palestine sôi sục biểu tình chống Israel ở Jerusalem |
Cảnh tượng hỗn loạn tại đám tang đã khiến cộng đồng quốc tế phải lên án.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói vụ việc này "gây lo ngại sâu sắc". Trọng tâm sự chú ý nên là "việc tưởng nhớ một nhà báo đã thiệt mạng", bà Psaki nói với các phóng viên.
“Chúng tôi lấy làm tiếc vì cuộc xâm nhập diễn ra tại một đám rước đáng lẽ phải yên bình”, bà Psaki nói thêm.
Liên minh châu Âu cũng lên án vụ việc, cho biết khối này "kinh hoàng trước tình trạng bạo lực trong khuôn viên Bệnh viện Saint Joseph và mức độ vũ lực không cần thiết của cảnh sát Israel trong suốt lễ tang”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng “vô cùng quan ngại trước các cuộc đối đầu giữa lực lượng an ninh Israel và người Palestine tập trung tại Bệnh viện Saint Joseph và hành vi của một số cảnh sát có mặt tại hiện trường”, một phát ngôn viên cho biết.
Hãng tin Al Jazeera tuyên bố rằng hành động của cảnh sát Israel "vi phạm tất cả các quy tắc và quyền quốc tế”. Ai Cập và Qatar cũng lên án hành vi của cảnh sát Israel.
Phóng viên Shireen Abu Akleh của hãng tin Al Jazeera |
chụp màn hình Al Jazeera |
Bà Abu Akleh, một nhà báo rất nổi tiếng trong khu vực, đã bị giết khi đang mặc áo báo chí tác nghiệp trong cuộc đọ súng vào đầu ngày 11.4 giữa quân đội Israel và các tay súng Palestine ở Jenin thuộc Bờ Tây.
Reuters đưa tin Israel và Palestine đã đổ lỗi cho nhau về cái chết của bà Abu Akleh. Quân đội Israel ngày 13.5 cho biết kết quả điều tra ban đầu của họ "cho thấy rằng không thể xác định rõ ràng nguồn gốc của phát súng bắn trúng và giết chết bà Abu Akleh".
Israel cũng nói bà Abu Akleh có thể đã thiệt mạng do các phát súng của Palestine bắn vào các phương tiện quân sự của Israel hoặc vô tình bị trúng đạn do một người lính Israel bắn trả.
Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Palestine ngày 13.5 cũng đưa ra một tuyên bố cho biết kết quả điều tra ban đầu phát hiện ra rằng Israel là bên duy nhất bắn súng tại khu vực mà bà Abu Akleh bị giết.
Trước đó, hãng tin Al Jazeera cho biết bà Akleh đã bị lực lượng Israel sát hại một cách tàn nhẫn.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 13.5 đã lên án vụ giết hại phóng viên Abu Akleh và kêu gọi "tổ chức một cuộc điều tra ngay lập tức, kỹ lưỡng, minh bạch và công bằng”.
Theo Reuters, Israel đã bày tỏ sự tiếc thương về cái chết của bà Abu Akleh và đề xuất điều tra chung với Palestine, đồng thời yêu cầu Palestine cung cấp viên đạn để khám nghiệm. Palestine đã từ chối yêu cầu của Israel và kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế.
Bình luận (0)