Quốc Tử Giám vào Top 10 kỷ lục bất biến mang yếu tố ‘đầu tiên’ Việt Nam

27/07/2022 12:10 GMT+7

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) vừa công bố các kỷ lục không thể thay thế và không bị phá vỡ của đất nước và con người Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, góp phần tôn vinh các giá trị độc đáo đến du khách thập phương.

Theo thông tin từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố thì Quốc Tử Giám (Hà Nội) - trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã vinh dự vào Top 10 kỷ lục bất biến mang yếu tố "đầu tiên" của Việt Nam.

Quốc Tử Giám (Hà Nội) - trường đại học đầu tiên của Việt Nam

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhìn từ trên cao

VietKings

Được biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những cái nôi của sự phát triển nền giáo dục nước ta. Văn Miếu được vua Lý Thánh Tông xây dựng vào năm 1070 để thờ các bậc tiên thánh, tiên sư đạo Nho và cho Thái tử Lý Càn Đức (sau này ông lên ngôi và lấy niên hiệu là Lý Nhân Tông) đến học.

Tới năm 1076, Văn Miếu còn có thêm Quốc Tử Giám dạy học cho con của các quan lại trong triều. Trải qua nhiều đời, nơi đây còn mở rộng số lượng học sinh, thu nhận con cái nhà thường dân có tài đến học. Năm 1762, đây chính là nơi đào tạo giáo dục cao cấp của triều đình.

Hiện Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam và hiện nay đã trở thành quần thể di tích nổi tiếng tại Hà Nội.

Cùng lọt vào Top 10 kỷ lục bất biến mang yếu tố "đầu tiên" của Việt Nam còn có Nhà máy thủy điện Ankroet (Lâm Đồng) - nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam cùng với đó là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam Đáng đời thằng Cáo và Nhà hát quốc gia đầu tiên của Việt Nam có tên gọi Duyệt Thị Đường ở Thừa Thiên - Huế.

Đến nay, các tổ máy thủy điện Ankroet đã được cải tạo, nâng công suất và tiếp tục phát, cấp điện cho TP.Đà Lạt

Nhà máy thủy điện Ankroet do người Pháp thiết kế, xây dựng

VietKings

Nằm sâu trong thung lũng Đankia - Suối Vàng, thuộc vùng rừng núi ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), nhà máy thủy điện Ankroet do người Pháp thiết kế, xây dựng để phát điện rồi hòa điện với nhà máy điện Diesel Đà Lạt, chủ yếu cấp điện cho TP.Đà Lạt, nơi được ví là Paris thứ hai của người Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ. Đến nay, các tổ máy đã được cải tạo, nâng công suất và tiếp tục phát, cấp điện cho TP.Đà Lạt, trở thành nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam.

Theo tư liệu từ công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam thì bộ phim đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam là một xuất bản phẩm thuộc thể loại đồ họa với nhan đề Đáng đời thằng Cáo. Vào năm 1959, nhóm họa sĩ gồm: Lê Minh Hiền, Trương Qua, Hồ đã bắt tay thực hiện bộ phim hoạt hình đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim được chuyển thể từ câu chuyện Con cáo và tổ ong, có độ dài 10 phút. Bộ phim này xoay quanh tình bạn gắn bó của hai nhân vật chính là Gấu và Gà.

Còn Duyệt Thị Đường là nhà hát cung đình nằm trong Tử Cấm Thành (Hoàng thành, Kinh thành Huế) được xây năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng và là Nhà hát cổ nhất của Việt Nam còn lại cho đến hôm nay.

Duyệt Thị Đường là nhà hát cung đình nằm trong Tử Cấm Thành (Hoàng thành, Kinh thành Huế) được xây năm 1826

Nhà hát dành cho vua triều Nguyễn cùng hoàng gia, các quan đại thần cùng quan khách, sứ thần

VietKings

Đây là nhà hát dành cho vua triều Nguyễn cùng hoàng gia, các quan đại thần cùng quan khách, sứ thần. Các chương trình biểu diễn ở Duyệt Thị Đường là ca múa nhạc và chủ yếu là các vở tuồng cung đình (hát bội), thường tổ chức vào các dịp lễ hay đón tiếp sứ thần ngoại giao.

Duyệt Thị Đường được hiểu là một gian nhà dành để xem biểu diễn nghệ thuật để từ đó con người chiêm nghiệm những điều hay lẽ phải. Cụ thể, “Duyệt” là xem xét để phân biệt điều phải trái; “Thị” là xem; và “Đường” là ngôi nhà. Đây là một trong bốn nhà hát được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, bao gồm: Duyệt Thị Đường, Tịnh Quan Viên, Minh Khiêm Đường và Cửu Tư Đài.

Ngoài ra, Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) - trung tâm thương mại đầu tiên của Việt Nam cũng nằm trong Top 10 lần công bố này với những yếu tố đặc biệt của di tích.

Đầu thế kỷ 20, thương xá đầu tiên của xứ Đông Dương, Maison Godard (hay Grands Magasins Réunis – CMR) có mặt trên phố Paul Bert tại Hà Nội, nay là Tràng Tiền Plaza. Trung tâm thương mại này được xây dựng lần đầu năm 1901, trở thành biểu tượng Hà Nội và mang đậm dấu ấn lịch sử.

Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, Tràng Tiền Plaza là một trong những minh chứng lịch sử, hình ảnh mang tính biểu tượng mỗi khi nhắc về Hà Nội. Được người Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1901, Tràng Tiền Plaza khi ấy được gọi là Maison Godard (nhà Godard). Maison Godard chỉ phục vụ cho khách người Pháp và người Việt giàu có, được xem là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn chỉ có các chợ truyền thống.

Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, Tràng Tiền Plaza là một trong những minh chứng lịch sử, hình ảnh mang tính biểu tượng mỗi khi nhắc về Hà Nội

Tràng Tiền Plaza mang dấu ấn của phong cách kiến trúc kiểu Pháp, trang nhã, sang trọng

VietKings

Đến tháng 9.1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa tổng hợp, hay còn gọi là Bách hóa Tràng Tiền, với 2 tầng chính kinh doanh, buôn bán tất cả các loại mặt hàng thông dụng nhất phục vụ đời sống, cho đến hàng nhập khẩu xa xỉ phục vụ người nước ngoài và tầng lớp trung lưu như đồ trang sức, sành sứ, giày dép, nước hoa, đồng hồ, đồ nội thất… Trở thành một trong những biểu tượng lịch sử thương mại của Hà Nội trong suốt thế kỷ 20.

Ngày nay tại Việt Nam, Tràng Tiền Plaza mang dấu ấn của phong cách kiến trúc kiểu Pháp, trang nhã, sang trọng nhưng cũng không kém phần tinh tế. Đây là trung tâm mua sắm cao cấp, quy tụ hơn 200 thương hiệu đẳng cấp trong nước và quốc tế, trong đó có thể kể đến các tên tuổi đình đám như Louis Vuitton, Dior, Rolex, Cartier... (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.