"Chọn mặt gởi vàng" tham dự WCA: Liệu có công bằng?

21/08/2014 14:00 GMT+7

Trong chiều ngày 19.8, một status đăng trên Facebook đã gây ra nhiều tranh cãi trong việc chọn 2 đội đại diện Việt Nam tham dự World Cyber Arena 2014 bộ môn CrossFire.

Status này được chính anh Dương Vi Khoa, "trùm cuối" của Trung tâm TTĐT Aces Gaming, đăng trên trang cá nhân. Status này đại ý về việc thiếu sự công bằng trong việc chọn 2 đội tuyển Việt Nam đi thi đấu quốc tế lại được quyết định bằng việc bỏ phiếu, qua đó còn đặt dấu hỏi về sự hợp lý của phương pháp lựa chọn.

Về các thông tin trong status này, việc "chọn mặt gởi vàng" 2 đội đại diện Việt Nam tham dự World Cyber Arena - giải đấu mới được Trung Quốc tổ chức thay cho World Cyber Game - cũng đã được NPH VTC chính thức công bố trên trang chủ

Theo đó, 2 đội đại diện thi đấu tại WCA 2014 sẽ được lựa chọn thông qua hình thức bình chọn. Những đội được tham gia bình chọn chính là 8 đội vô địch các hạng đấu Bán chuyên và Chuyên nghiệp của VCK Quốc gia Liên Minh Tour vừa qua tại TP.HCM. Đó là 8 đội Aces, Begin, CTV, Freedom, iP.Ketnoixanh, Legend.Warrior, Pro.DN và Rinbin Gaming.

Cách thức bình chọn: 9 vị chủ tịch Liên minh Đột kích sẽ quay video clip trong đó nội dung nói rõ Liên minh sẽ chọn 2 trong số 8 đội. 2 đội nhận được nhiều bình chọn của các Chủ tịch Liên minh nhất sẽ được chọn đại diện Đột Kích - CrossFire Việt Nam tham gia thi đấu tại WCA 2014.

Từ trước đến nay, ở các môn thể thao mang tính đối kháng cao thì việc tuyển chọn các đội tuyển đi thi đấu - từ quận, huyện, thành phố, quốc gia cho đến khu vực, châu lục, thế giới - thông thường sẽ dựa trên nhiều quá trình khác nhau, tùy theo điều kiện.

Người ta có thể tổ chức hẳn các thể loại vòng loại (như World Cup, Euro, Olympic... hay thậm chí cái "ao làng" như môn bóng đá SEAGames hiện cũng đã có vòng loại) để chọn các đội có thứ hạng cao nhất.

Ngoài ra, còn có thể căn cứ vào thành tích của đội/vận động viên trong cả một mùa giải (hoặc một năm) để lựa chọn. Trong môn tennis, việc 8 tay vợt xếp hạng cao nhất thế giới được tham dự ATP World Tour Finals - được xem như vòng chung kết thế giới của cả 1 năm - là một ví dụ. Cả 2 cách thức trên rõ ràng quá minh bạch và không còn gì bàn cãi.

Nếu thiếu thốn điều kiện, các nhà tổ chức có thể căn cứ vào thành tích của một đội/vận động viên nào đó trong suốt quá trình thi đấu. Cách này sẽ có thể gây ra những vấn đề nhạy cảm liên quan đến "nghi vấn" thiên vị, không minh bạch, hoặc những luồng ý kiến trái chiều từ kẻ ở - người đi. Chịu thôi... vì không có điều kiện nó mới vậy, nhưng ít nhất vẫn có những cơ sở về thành tích, danh hiệu, chức vô địch... mà người ta có thể căn cứ vào.

Nhưng việc đặt quyết định chọn 2 đội đại diện Việt Nam tham dự WCA vào tay của "9 vị Chủ tịch Liên minh" là một cách làm "mới mẻ" quá, khiến nảy sinh lắm điều bàn ra tán vào.

Mục đích mà NPH đưa ra khi chọn cách thức này là để "tiếng nói của cộng đồng sẽ mang tính quyết định". Nhưng đặt  "tiếng nói cộng đồng" vào tay của... nhóm nhỏ 9 người liệu có phục chúng?.

Hãy thử nghiêm khắc với nhau một chút,  việc giao trọng trách đại diện Việt Nam đi thi đấu quốc tế lại không căn cứ vào thực lực, phong độ, thành tích gần nhất... mà dựa vào số phiếu tín nhiệm của từng cá nhân, thì chữ "tín nhiệm" ấy phải bao hàm một tính đại diện ghê gớm lắm.

Sự tín nhiệm này có thể bao hàm những xu hướng lựa chọn nhằm mang lại thành tích cao nhất cho Việt Nam trên trường quốc tế, nhưng cũng có thể bao hàm luôn những toan tính riêng, sự ưu ái cho đội tuyển đến từ vùng/miền mà mình đang quản lý, tình cảm yêu/ghét cá nhân... Hơn hết, ở đâu có bình chọn, ở đó sẽ có lobby. Điều này rất khó có bằng chứng để nói ra, nhưng là một thứ mà nhìn sơ qua ai cũng có thể biết.

Cho đến nay, VTC vẫn chưa có thông báo chính thức về kết quả, nhưng rõ ràng, với cách thức làm việc hiện tại thì các game thủ, cộng đồng game thủ, hoặc các đội tuyển... hoàn toàn có quyền thắc mắc về sự công bằng khi lựa chọn 2 đội tham dự WCA.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.