"Đừng nghe bà Mai trồng lanh"
Đến thăm Hợp tác xã (HTX) vải lanh Lùng Tám ở thôn Hợp Tiến (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), du khách sẽ vô cùng thích thú ngắm nhìn các bộ áo váy được làm từ sợi lanh rất công phu. Đặc biệt, sản phẩm lanh đều do những nghệ nhân lớn tuổi làm thủ công, đây là loại trang phục truyền thống của người đồng bào dân tộc Mông.
Bà Vàng Thị Mai, sinh năm 1962, có gần 20 năm làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Lùng Tám và hiện là Giám đốc HTX vải lanh Lùng Tám. Từng chỉ là một người phụ nữ Mông lủi thủi dệt lanh trong góc bếp, giờ bà đã trở thành một nghệ nhân và được tôn vinh là "quý bà vải lanh" hay "nữ hoàng thổ cẩm" nổi danh khắp đất Hà Giang.
Bà Mai nhớ lại, người Mông thường dệt lanh vào lúc nông nhàn, coi đây là việc phụ của người phụ nữ. Theo phong tục, người phụ nữ Mông chuẩn bị đi lấy chồng phải có một bộ quần áo lanh để mặc bước vào cửa nhà chồng. Người vợ sẽ không làm việc gì bên ngoài, chỉ trông con và lo cơm nước cho nhà chồng nên thường xuyên bị chồng quát mắng, thậm chí đánh đập khi say rượu, vai trò rất yếu thế trong gia đình.
Năm 1999, Lùng Tám được sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần doanh nghiệp xã hội Cratf Link đã khôi phục nghề trồng lanh, dệt vải để thay thế cây thuốc phiện và được dự án "Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống" trong chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển hỗ trợ. Năm 2001, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà Mai đã thành lập HTX vải lanh Lùng Tám, khi đó có 10 xã viên với số vốn vỏn vẹn 13 triệu đồng.
"Khi mới thành lập HTX, người ta rỉ tai nhau đừng đến làm thuê cho bà Mai, chỉ hầu hạ, làm giàu cho bà ấy thôi..." khiến một số chị em không đến làm nữa. Có chị em thì đang làm việc, chồng say rượu đến tát thẳng vào mặt, lôi về trước mặt tôi...", bà Mai nhớ lại.
Còn một số phụ nữ khác đến HTX làm việc rất vui vẻ nhưng khi về đến nhà bị chồng đánh đập, coi khinh và không dám đến làm việc nữa vì chồng không cho phép. Có người đến, bị chồng đánh máu chảy be bét, bà Mai phải làm việc với UBND xã và đề nghị công an xã đứng ra bảo vệ cho phụ nữ. "Khi người đàn ông nào say rượu, đánh đập phụ nữ sẽ bị công an xã đưa lên ủy ban và phạt đi địu đá, dọn vệ sinh công cộng", bà Mai cho biết.
Trong truyền thống người Mông, se lanh dệt vải giống như là một chuẩn mực để đánh giá người phụ nữ, nên chị em đều thành thạo từ nhỏ nhưng nó chỉ là công việc phụ lúc nghỉ ngơi. Bà Mai thu hút được những người phụ nữ nghèo, không có việc làm, trẻ em mồ côi, người già có tay nghề đến truyền dạy nghề... Mỗi sản phẩm bán được, bà Mai trích ra một phần để trả công cho các nghệ nhân dạy nghề cho lớp trẻ.
Đưa lanh Việt vươn ra thế giới
Bất kỳ du khách nào, kể cả trong nước và quốc tế, mua hàng tại HTX, bà Mai đều cẩn thận ghi chép lại thông tin cá nhân và xin ý kiến đánh giá của khách hàng, chia sẻ cảm nhận về sản phẩm vào trong cuốn sổ. Hằng tháng, HTX sẽ họp và dựa trên đánh giá của khách hàng để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến nay, sản phẩm lanh của HTX đã được xuất đi cả nước và 20 bạn hàng quốc tế, chủ yếu ở thị trường châu Âu. Sản phẩm lanh được khách hàng ưa chuộng vì nét độc đáo của sản phẩm với chất liệu truyền thống tự nhiên bền, đẹp, nét hoa văn tinh xảo mang tính dân tộc trên vùng cao núi đá.
Hiện nay, Lùng Tám nằm trong tuyến du lịch của tỉnh Hà Giang thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế. Du khách ghé thăm HTX không chỉ được mua sản phẩm mà còn được mục sở thị quá trình dệt lanh cũng như được nghe những câu chuyện truyền cảm hứng từ bà Mai. "Mỗi ngày chúng tôi đón hàng trăm khách tham quan. Khách mua hàng có thể vì ưng ý nhưng cũng có thể thích vì được xem quá trình làm sản phẩm cũng như quý mến người làm ra sản phẩm đó", bà Mai chia sẻ.
Quá trình dệt vải lanh kéo dài trong 7 tháng tính từ lúc gieo trồng đến dệt xong vải và phải trải qua tới 41 công đoạn. Phần cổ áo, tay áo, thắt lưng được trang trí rất cầu kỳ, từng sợi chỉ khâu được rút từ các mảnh vải ghép để không làm lộ các mũi chỉ. Ngoài ra, hoa văn phổ biến thường là ốc sên. Người thợ còn phải có kỹ năng vẽ sáp ong bằng loại bút tre ngòi đồng, chấm sáp ong nóng chảy trên nền vải lanh trắng, sau đó vải được nhuộm chàm nhiều lần trước khi đem luộc để bỏ sáp ong. Các sản phẩm của HTX đa dạng từ áo, váy đến khăn trải bàn, túi xách, con giống hay ví...
"Hiện nay, doanh thu bình quân của HTX hàng năm khoảng 1,5 tỉ đồng với 140 xã viên và 9 tổ sản xuất. Các xã viên có thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 4 triệu đồng/tháng của các cụ trên 70 tuổi. Mọi xã viên cảm thấy được sự đồng cảm và chia sẻ tận tình khi được làm việc tại HTX", bà Mai tâm sự.
Phụ nữ phải làm chủ bản thân
"Tôi thấy phụ nữ người Mông quá vất vả, tôi nghĩ phải làm sao để kéo họ ra khỏi sự vất vả, khổ sở. Đàn ông đi uống rượu về say xỉn không nấu cơm, không nấu cám lợn, bắt vợ phải làm tất cả. Rồi các ông vào ôm bó lanh to vứt ra ngoài đường và bảo rằng "quảng cáo cho bà Mai, đất nhà tôi chỉ trồng ngô, trồng lúa không nghe bà Mai trồng lanh" hay như "vợ tôi tôi lấy về chỉ để phục vụ cơm nước trong gia đình, không được đi làm những việc bên ngoài", bà Mai cho biết.
Khi HTX phát tiền sản phẩm, bà Mai phải đơm một chai rượu đến nói chuyện với ông chồng và nói rằng:
- Mai ông có tham gia nhận tiền không? Ông nhận tiền xong ông về sửa cái chuồng lợn, chuồng gà nhà ông đi?
- Được như thế cơ à? - ông chồng đáp.
Dần dần, bà Mai đã cảm hóa được rất nhiều ông chồng của xã viên, khiến họ phải tôn trọng người vợ của họ hơn. Cánh đàn ông người Mông ở Lùng Tám giật mình khi thấy vợ mình lại kiếm được tiền nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa như những người chồng. "Ngày xưa, ông chồng người Mông không bao giờ cho vợ tham gia hoạt động xã hội nhưng nay khác rồi. Có hội chợ, triển lãm dưới thủ đô họ cho vợ đi cả tuần cũng được, họ ở nhà tự nấu cơm, chăm con", bà Mai cho biết.
Thay đổi số phận của sợi lanh bà Mai cũng đồng thời thay đổi luôn số phận của những người phụ nữ Mông. Từ ngày xưa, theo tục lệ truyền thống, khi mà trong nhà có người mất chỉ có người đàn ông mới được đến gần quan tài cũng như chôn cất người đã khuất còn phụ nữ thì phải tránh xa không được đưa tiễn.
Song, bà Mai lại nghĩ khác. Khi chồng bà mất, bà Mai đã lao vào đào mộ và xúc miếng đất đầu tiên đưa tiễn người đầu ấp tay gối cả đời với mình. Suốt mấy chục năm, dù tất cả mọi người đều lên án bà Mai nhưng bà vẫn không thay đổi suy nghĩ của mình.
Bà Mai khẳng định rằng, phụ nữ phải làm chủ cuộc đời và số phận của mình. "Với những trăn trở làm thế nào vùng lên phá vỡ định kiến trọng nam khinh nữ, tôi và các cộng sự ở HTX đã làm ra những sản phẩm vải lanh có họa tiết mang đậm tiếng lòng của người phụ nữ Mông như mạnh mẽ, bình đẳng và tự chủ", bà Mai tin tưởng.
Bình luận (0)