Quỹ bảo trì chung cư, cần thực hiện nghiêm

23/07/2024 04:11 GMT+7

Cư dân kiện ban quản trị, ban quản trị kiện chủ đầu tư, chủ đầu tư tố ban quản trị... Xung quanh quỹ bảo trì có không biết bao nhiêu vụ kiện đã, đang và chắc chắn sẽ còn xảy ra nếu các giải pháp chế tài không được thực hiện nghiêm.

Nhìn lại suốt bao năm qua, tranh chấp quỹ bảo trì chung cư (QBTCC) chưa bao giờ hết nóng. Nguyên nhân chủ yếu là tiền quỹ lớn, thường từ vài chục tới cả trăm tỉ đồng nhưng chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư (CĐT) nảy sinh tâm lý muốn chiếm dụng quỹ. Cũng vì số tiền lớn, không chỉ CĐT mà ngay nội bộ ban quản trị ở nhiều chung cư cũng nảy sinh lợi ích nhóm. Thực tế đã có hiện tượng một số người ngoài tìm cách vào ban quản trị chung cư thông qua thủ đoạn mua căn hộ nhỏ nhất. Sau đó, họ vận động để được bầu làm trưởng ban quản trị, từ đó thực hiện hành vi trục lợi. Có người sau khi được bầu vào ban quản trị liền bán lại căn hộ, không còn là cư dân nhưng vẫn nằm trong ban quản trị, mục đích là để sử dụng quỹ. Mâu thuẫn, xung đột, kiện cáo... từ đó nảy sinh, kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi cư dân trong các chung cư mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Trước tình hình này, đầu năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015 liên quan đến bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư. Với hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, Nghị định được đánh giá là chế tài mạnh nhằm chấm dứt các vụ việc bức xúc kéo dài trong việc CĐT cố tình chây ì trách nhiệm bàn giao QBTCC cho cư dân. Vài tháng sau đó, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Chỉ thị 02, nghiêm cấm CĐT chiếm dụng, lấn chiếm không gian, các phần thuộc sở hữu chung nhà chung cư và đề nghị địa phương xử lý hình sự đối với trường hợp chiếm dụng QBTCC. Quy định này xuất phát từ việc trước đó có nhiều tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài, nhiều khu chung cư người dân phản ứng quyết liệt với CĐT, căng băng rôn tại các nhà chung cư, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương...

Thế nhưng từ đó đến nay vẫn xảy ra nhiều vụ tranh chấp, chiếm dụng QBTCC kéo dài mà ít thấy vụ nào xử lý hình sự. Ví dụ như vụ tranh chấp, tồn đọng tại chung cư Moscow Tower (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) mà mới đây Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo "chuyển hồ sơ qua công an nếu không bàn giao QBTCC". Đáng nói, vụ này kéo dài đã nhiều năm nay, tranh chấp khiếu kiện triền miên. Chính quyền cũng đã từng xử phạt nhưng CĐT vẫn chây ì không chịu bàn giao quỹ. Đáng nói hơn là suốt thời gian đó, hàng ngàn cư dân phải sống trong tình trạng nguy hiểm vì những hỏng hóc thang máy, hệ thống PCCC... xuống cấp nhưng không được sửa chữa, thay mới. Trường hợp này có lẽ không cần phải "dọa" hay cảnh báo gì nữa, mà phải áp dụng biện pháp mạnh nhất để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cư dân.

Dẫn lại để thấy, luôn có "độ trễ chủ quan" trong việc thực thi các quy định pháp luật, đặc biệt là việc triển khai còn thiếu quyết liệt. Thực tế, các quy định từ việc đóng quỹ, giao quỹ, cưỡng chế quỹ..., thẩm quyền thuộc về cơ quan nào, trong vòng bao nhiêu ngày đều hết sức cụ thể. Nếu thực hiện nghiêm từ đầu, chắc chắn các vụ chiếm dụng, chây ì QBTCC không có cơ hội hoành hành như thời gian qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.