Quỹ bình ổn xăng dầu... chưa ổn

24/08/2023 06:34 GMT+7

Trích nhiều hơn chi, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) tăng liên tục mà hiếm khi có động thái "xả" khiến giá xăng dầu chưa theo đúng nhịp giá thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh sức mua yếu hiện nay, vai trò bình ổn của Quỹ BOG theo nhiều chuyên gia, cũng chưa đúng nghĩa.

Trích mạnh tay, chi nhỏ giọt

Trước kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua (21.8), giá dầu thế giới có một tuần giảm hơn 2% và đặc biệt có 2 phiên giảm liên tiếp vào cuối tuần. Khi đó, nhiều ý kiến kỳ vọng cơ quan điều hành sẽ "xả" mạnh quỹ BOG để giá xăng dầu trong nước có thể giảm sau 4 lần tăng liên tục. Thế nhưng, kết quả không như mong đợi, giá xăng dầu tiếp tục tăng với hầu hết các mặt hàng, trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng giảm, giảm trong 2 phiên cuối tuần và vừa giảm tiếp 2 phiên đầu tuần này. Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 21.8, Bộ Công thương lý giải giá xăng dầu tăng là do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá từ ngày 11.8 đến 21.8 tăng. Cụ thể, mức tăng với xăng, dầu hỏa là khoảng 3%, trong khi mặt hàng dầu diesel và dầu mazut giảm dưới 1%.

Quỹ bình ổn xăng dầu... chưa ổn - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển Quỹ bình ổn bằng hàng hóa, mua vào khi giá thấp, bán ra khi giá thế giới tăng

NGỌC DƯƠNG

Với diễn biến trên, Bộ Công thương tiếp tục không thực hiện trích lập vào Quỹ BOG với tất cả các mặt hàng, nhưng cũng không sử dụng. Đáng nói, từ đầu năm đến cuối tháng 7, Quỹ BOG tăng mạnh nhưng việc chi rất nhỏ giọt và không được duy trì trong những thời điểm giá thế giới tăng mạnh.

Cụ thể, với 2 mặt hàng RON95-III và E5 RON92, chỉ có chi sử dụng tại các kỳ điều chỉnh giá trong tháng đầu tiên của năm. Tổng 3 lần chi với xăng RON95-III là 1.453 đồng/lít, xăng E5 RON92 là 1.321 đồng/lít. Tương tự, mặt hàng dầu diesel chỉ có 1 lần chi quỹ là 300 đồng, dầu hỏa 400 đồng và 3 lần chi với dầu mazut 850 đồng. Tăng trích giữ quỹ liên tục nhưng lại không chi nên quỹ BOG tăng mạnh, từ 4.517 tỉ đồng vào cuối năm 2022, đến cuối tháng 7.2023 đã vọt lên 7.438 tỉ đồng, tăng gần 1,8 lần so đầu năm.

Đáng nói, chỉ riêng mặt hàng xăng RON95-III, trong gần 2 tháng qua, giá bán lẻ đã có 6 lần tăng, với tổng mức tăng gần 15%, từ 21.420 đồng/lít lên 24.600 đồng/lít. Hai lần tăng mạnh thêm 2.500 đồng/lít xăng. Trong thời gian này, quỹ vẫn không được chi sử dụng. Trong khi về nguyên tắc, Quỹ BOG phải được chi khi giá xăng dầu tăng liên tục, tăng ở mức cao và ảnh hưởng đến việc tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ doanh nghiệp vận tải tuyến TP.HCM - Thừa Thiên-Huế, chia sẻ dầu là mặt hàng tiêu dùng chủ yếu của các doanh nghiệp như vận tải, xây dựng... Giá xăng dầu đang âm thầm tăng liên tục nhưng chưa được hỗ trợ để chặn đà tăng lại, đặc biệt với giá dầu, nhiên liệu chính cho ngành sản xuất, vận tải hàng hóa. Ông Thắng nói: "Trên thực tế, lượng dầu diesel tiêu thụ chiếm 60% tổng sản lượng nhiên liệu trên thị trường. Trong gần 2 tháng qua, giá xăng tăng gần 15% nhưng giá dầu diesel tăng hơn 23%, từ 18.160 đồng/lít lên 22.350 đồng/lít. Trong khi đó, cước vận tải không ai dám đề xuất tăng. Nếu cơ quan điều hành linh hoạt xả quỹ bình ổn để giảm đà tăng giá dầu, bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất sử dụng dầu làm nhiên liệu đầu vào thì quý biết mấy".

Quỹ chưa phục vụ bình ổn thực sự

Trong 2 năm qua, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lý do duy nhất là nó đã "hết phép", hết giá trị sử dụng và như "ruột thừa hay chiếc răng khôn" đến lúc phải cắt bỏ. Còn nhớ, đầu năm 2022, trong tâm thư gửi Bộ Công thương, UBND TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM, nhóm 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu khẳng định Quỹ BOG đang không hỗ trợ nền kinh tế, không có ích cho người tiêu dùng và gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, giữa nhà bán buôn và bán lẻ. Kế đó, Hiệp hội Xăng dầu VN cũng kiến nghị bỏ quỹ này để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nói thẳng: Mục tiêu của quỹ, như tên của chính nó là "bình ổn", hay làm giảm sự truyền tải biến động của giá thế giới vào giá trong nước. Nếu có mục tiêu nào khác thì chỉ là phụ mà thôi. Thế nhưng, trong thời gian qua, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ với xăng dầu là khá nhỏ. Có nghĩa là chức năng "bình ổn" giá khá mờ nhạt. Càng duy trì, càng âm và phải bù miệt mài. Bù rồi bù nữa và không dám chi khi nền kinh tế cần có tác động lớn để giảm lạm phát bởi giá xăng tăng.

Ông Phạm Thế Anh phân tích: "Các quốc gia khác không can thiệp vào giá xăng dầu mà dùng quỹ xăng dầu dự trữ mua vào bán ra để ổn định giá. Quỹ BOG của VN đang chưa ổn chứ không phải bình ổn giá". Thậm chí đây là một "sáng tạo" khi hoạt động theo kiểu trích trước, giữ của người tiêu dùng trước, chi sử dụng sau nhưng chi thế nào lại thuộc quyền quyết định của cơ quan điều hành. Từ đó, đẩy thị trường xăng dầu méo mó, không theo sát xu hướng giá thế giới. Trích khi giá thế giới tăng và lại chi khi giá giảm. Hiện tại, không chi, không trích trong bối cảnh giá thế giới tăng vù vù để bảo toàn quỹ đang dương. Bên cạnh đó, Quỹ BOG cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng. Cần có sự tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn", PGS-TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Quỹ bình ổn xăng dầu... chưa ổn - Ảnh 2.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách, cho hay ông từng nêu quan điểm về vấn đề này đề nghị nên mạnh dạn bỏ Quỹ BOG để tiến tới xây dựng thị trường xăng dầu có cạnh tranh. Thế nhưng, các cơ quan điều hành sau đó vẫn bảo lưu quan điểm cần có quỹ này để điều tiết, quản lý thị trường do xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, có vai trò về an ninh năng lượng… 

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, không thể phủ nhận Quỹ BOG có thể từng có vai trò nhất định trong giai đoạn đầu, khi tư nhân vừa tham gia nhập khẩu xăng dầu, kinh doanh xăng dầu còn ít, thị trường phụ thuộc vào khối doanh nghiệp nhà nước. Nay có hơn 30 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, nhu cầu bức thiết là kiến thiết lại thị trường, bỏ bao tiêu, để mọi thứ tự nhiên hơn… 

Hình thức của quỹ là trích trước tiền của người tiêu dùng, khi giá lên thì lấy ra chi sử dụng. Cách làm này thoạt nghe có lợi cho người tiêu dùng, nhưng rõ ràng nó không khiến xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường một cách minh bạch. Và trong thực tế đã thấy khi giá thế giới tăng, quỹ không được chi sử dụng đúng kỳ vọng. Trong khi đó, vai trò và tính dự báo lại không được đề cao, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới. Giá tăng hay giảm phụ thuộc vào ý chí của nhà điều hành chứ không phải vào thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.