Quy chế trung lập mà Ukraine đề xuất trong đàm phán với Nga là gì?

30/03/2022 15:19 GMT+7

Vấn đề quy chế trung lập của một quốc gia đang thu hút sự chú ý khi là một trong những đề xuất của Ukraine khi đàm phán với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Quốc hội Đan Mạch vào ngày 29.3

afp

Theo The Washington Post ngày 30.3, quy chế trung lập là một trong những điểm quan trọng trong đàm phán giữa Ukraine và Nga nhằm đổi lại việc Moscow dừng chiến dịch quân sự.

Trong vòng đàm phán mới diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29.3, các đại diện của Ukraine đưa ra nhiều đề xuất với phía Nga, trong đó có việc trở thành nước trung lập kèm cam kết không có lực lượng quân sự hoặc căn cứ nước ngoài ở lãnh thổ Ukraine.

Đổi lại, các nước như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sẽ “đảm bảo” về an ninh cho Ukraine. Các nhà đàm phán Nga cho biết họ sẽ xem xét các đề xuất trên, trong khi Nga sẽ “giảm mạnh” quy mô hoạt động quân sự gần các thành phố Kyiv và Chernigiv nhằm “gia tăng lòng tin lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết để đàm phán thêm”.

Những điểm chính trong đàm phán Nga-Ukraine

Theo luật pháp quốc tế, một nước trung lập theo nghĩa rộng sẽ không can thiệp vào xung đột liên quan các bên tham chiến khác. Vấn đề trung lập được quy định trong 2 công ước tại hội nghị hòa bình The Hague (Hà Lan) vào năm 1907, đưa ra những quy định về các nước trung lập và tham chiến trong thời gian xung đột.

Vai trò của quy chế trung lập đối với tình hình Nga - Ukraine

Một trong những nguyên nhân mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine là do Kyiv muốn gia nhập NATO.

Dù Ukraine chưa bắt đầu tiến trình gia nhập NATO vào thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hôm 24.2, điều này đã là một phần trong ưu tiên của liên minh, nhất là sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Vào năm 2019, Ukraine đưa kế hoạch gia nhập NATO và Liên minh châu Âu vào Hiến pháp. Tổng thống Putin thường chỉ trích các hành động mà Nga cho là "hung hăng” của NATO gần biên giới và xem liên minh này là một sự đe dọa.

Tổng thống Zelensky nói Ukraine "không ngây thơ" sau vòng đàm phán mới

Phát biểu trước Lực lượng Viễn chinh hỗn hợp hôm 15.3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như thừa nhận rằng việc gia nhập NATO không còn được cân nhắc.

“Rõ ràng Ukraine không phải là một thành viên NATO, chúng tôi hiểu điều này. Trong nhiều năm chúng tôi đã nghe về việc cánh cửa dường như đang mở nhưng cũng đã nghe rằng chúng tôi sẽ không gia nhập, đó là những điều có thật và phải được thừa nhận”, theo nhà lãnh đạo Ukraine.

Ukraine còn đang đề xuất về việc sẽ không có các lực lượng hoặc căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ. Tuy nhiên, nước này vẫn muốn gia nhập EU. Vào ngày 28.2, ông Zelensky ký văn bản chính thức xin gia nhập EU và đã thảo luận với các lãnh đạo châu Âu. Dù các nhà lãnh đạo EU tỏ ý cởi mở về việc Ukraine gia nhập, họ đã khiến ông mất hy vọng về việc gia nhập EU nhanh chóng.

Mô hình nước trung lập

Trong vòng đàm phán thứ 4 giữa Nga và Ukraine vào giữa tháng 3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga đang thảo luận về các mô hình trung lập của Áo và Thụy Điển cho Ukraine. Quy chế trung lập của Áo được áp dụng như là kết quả của Chiến tranh lạnh, đổi lấy việc chấm dứt chiếm đóng của phe Đồng minh trong Thế chiến 2. Quy chế này được quy định trong luật vào ngày 26.10.1955. Quốc gia này không chọn bên trong các cuộc chiến hay tham gia các liên minh quân sự, cũng như không có căn cứ của nước khác.

Thụy Điển trở thành nước trung lập trong Thế chiến 2 và gia nhập Phong trào Không liên kết trong Chiến tranh lạnh, dù đã chính thức từ bỏ quy chế trung lập khi gia nhập EU vào năm 1995. Dù ý kiến công chúng nước này gần đây thiên về việc gia nhập NATO, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã bác bỏ và nói rằng điều đó sẽ “khiến tình hình bất ổn thêm”. Ngoài Áo và Thụy Điển, các nước Ireland, Malta, Phần Lan và Cộng hòa Síp (Cyprus) là thành viên EU nhưng không liên minh về mặt quân sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.