Sáng 9.8, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 99 năm 2019 của Quốc hội về PCCC (Nghị quyết 99) đã làm việc với Bộ KH-CN, Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT.
Tại phiên họp, đại diện Bộ KH-CN cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 240 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có liên quan đến lĩnh vực PCCC. Trong đó, các bộ chuyên ngành ban hành 41 quy chuẩn trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Tuy nhiên, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cụ thể như Quy chuẩn 06 năm 2022 về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Quy chuẩn 06 được ban hành 30.11.2022 và có hiệu lực từ 16.1.2023, hiện đang được Bộ Xây dựng sửa đổi. Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Vũ Xuân Hùng, Quy chuẩn 06 chỉ có tuổi thọ 1 năm nên đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải ngừng việc hoặc giải thể.
"Trách nhiệm của Bộ KH-CN trong việc phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công an như thế nào để hướng dẫn trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực PCCC?", ông Hùng nêu.
Ông Hùng cũng đề nghị bộ này báo cáo rõ việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 630 từ năm 2020, trong đó có việc rà soát các quy chuẩn về PCCC.
Bên cạnh đó, một số đại biểu tại cuộc làm việc cũng đề nghị Bộ KH-CN làm rõ trách nhiệm trong tổ chức thẩm định Quy chuẩn 06, cũng như trách nhiệm của các bộ này trong việc xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Trong khi đó, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng cho rằng, lĩnh vực của bộ quản lý xảy ra rất nhiều vụ cháy chưa cập nhật đầy đủ. "Riêng ở Tiền Giang đã có 2 vụ cháy tàu rồi, mà nguyên nhân do chập điện, đây là nguyên nhân kỹ thuật, đề nghị bộ quan tâm thống kê đầy đủ", ông Dũng đề nghị.
Nhiều đại biểu tại phiên họp cũng đề nghị 3 bộ bổ sung thêm số liệu cụ thể các vụ việc cũng như thiệt hại do các vụ cháy gây ra để thấy rõ bức tranh thực tiễn, từ đó đưa ra các giải pháp quyết liệt và khả thi nhất.
Bên cạnh đó, các bộ cũng cần làm rõ trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp với các bên liên quan nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, gắn với chức năng quản lý của từng bộ phụ trách liên quan đến PCCC…
Ghi nhận ý kiến các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới, Trưởng đoàn giám sát, đề nghị các bộ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo bổ sung những vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm, các nội dung còn thiếu vào báo cáo.
Ông Tới cũng đề nghị các bộ bổ sung, làm rõ những vướng mắc, khó khăn trong công tác PCCC liên quan đến nội dung ngành mình phụ trách, từ đó đề xuất những giải pháp xử lý cụ thể.
Bình luận (0)