Theo thông tin từ Vingroup, trọng điểm đầu tư của VinVentures là Trí tuệ nhân tạo (AI), Chất bán dẫn (Semiconductor), Điện toán đám mây (Cloud), cùng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, quỹ cũng mở ra cơ hội cho các startup ở các lĩnh vực khác nếu có tiềm năng tăng trưởng, có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng, không nhất thiết giới hạn ở những startup liên quan đến Vingroup.
Phạm vi đầu tư của quỹ trước mắt là thị trường VN, hướng tới các startup với đội ngũ sáng lập nội địa ở giai đoạn đầu (giai đoạn hạt giống và giai đoạn Series A - giai đoạn 2 và 3/5 vòng gọi vốn startup). Trong tương lai, quỹ sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận tới những startup trong khu vực, đặc biệt là tại các thị trường có đặc điểm phát triển tương đồng với VN như Singapore, Indonesia và Philippines.
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc điều hành Quỹ VinVentures (Tập đoàn Vingroup), cho biết: Bên cạnh việc góp vốn, giá trị đặc biệt mà VinVentures mang lại cho các startup chính là khả năng kết nối với các công ty trong hệ sinh thái của Vingroup ở cả hai vai trò: môi trường thẩm định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cho các startup trước khi ra thị trường và khách hàng tiềm năng. "Với mạng lưới và nguồn lực của một tập đoàn hàng đầu VN và khu vực, chúng tôi cũng sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ các startup kết nối với những đối tác lớn trên thị trường, đồng thời là "bệ phóng" cho các startup tiềm năng trong tương lai", bà Tuệ Lâm đặt kỳ vọng.
Đầu tư vào các startup công nghệ luôn là chiến lược nhất quán của Vingroup trong quá trình dịch chuyển thành tập đoàn công nghệ hàng đầu VN. Trước VinVentures, Vingroup cũng đã đầu tư cho nhiều startup công nghệ thông qua các quỹ như Vingroup Ventures, VinTech City. Với nguồn lực mạnh từ tập đoàn, các startup đều phát triển thành công và có sản phẩm ra thị trường, thậm chí vươn lên vị thế hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động như VinBigData, VinAI, VinBrain, VinCSS...
Sự ra đời của VinVentures đối với các startup thời điểm hiện tại không khác gì ngọn lửa ấm giữa đêm đông. Bởi VN đang cạnh tranh gay gắt để giành từng đồng vốn mạo hiểm, vốn cổ phần với nhiều đối thủ ở Đông Nam Á trong bối cảnh "mùa đông gọi vốn" toàn cầu. Theo Tech in Asia, các startup Việt đang trên đà trượt dài trong gọi vốn, từ đỉnh điểm hơn 1,9 tỉ USD trong năm 2021 xuống còn 940 triệu USD trong năm 2022 và chỉ còn 541 triệu USD trong năm ngoái, luôn xếp sau Singapore và Indonesia. Trong quý 1 năm nay, các startup Việt chỉ gọi được 47 triệu USD vốn cổ phần, "bốc hơi" đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tổng vốn cổ phần đạt 47 triệu USD, chiếm tỷ lệ 4,7% trong tổng vốn cổ phần ở khu vực trong quý 1/2024, VN đã để mất vị trí "đỉnh thứ ba của tam giác khởi nghiệp Đông Nam Á" vào tay Philippines. Ba đỉnh hiện tại của tam giác này là Singapore (66,3%), Indonesia (14,8%) và Philippines (14,2%).
Ông Nguyễn Đức Cường, đồng sáng lập một doanh nghiệp (DN) truyền thông số tại TP.HCM, nhận xét, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại VN đã tăng trong thời gian gần đây, cho thấy tiềm năng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư mạo hiểm chủ yếu đến từ nước ngoài, còn đầu tư trong nước rất hạn chế. So với một số nước khu vực như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, tổng số lượng đầu tư cũng như nhà đầu tư của VN thấp hơn. Đây là thách thức rất lớn đối với các startup, nhất là các startup công nghệ - lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn.
"Hầu hết các DN công nghệ trong nước đều xác định muốn có đủ điều kiện để duy trì, phát triển hoạt động, cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài thì phải gọi bằng được nguồn vốn ngoại. Cơ hội hy vọng vào các nguồn tín dụng hay quỹ trong nước là vô cùng mong manh. Nay chúng ta đã có 1 quỹ công nghệ tới 150 triệu USD ngay tại VN, do một tập đoàn lớn có hệ sinh thái rộng như Vingroup tài trợ. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là niềm hy vọng, tạo sự tự tin rất lớn đối với các DN trẻ đang theo đuổi lĩnh vực công nghệ như chúng tôi", ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ.
Tại VN, các quỹ đầu tư đã xuất hiện khá nhiều, nhưng xét về quy mô, số lượng đều vẫn thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ càng ít hơn và cũng hầu hết là thuộc các tập đoàn ngoại. Quỹ ngoại ra đời sớm nhất và cũng được nhắc đến nhiều nhất là quỹ đầu tư công nghệ đầu tiên IDG Ventures Việt Nam thuộc Tập đoàn IDG đến từ Mỹ, với số vốn 100 triệu USD, ra đời 20 năm trước. IDG Ventures Việt Nam là quỹ mạo hiểm đầu tiên đã hỗ trợ nhiều DN công nghệ VN từ thuở ban đầu đến trưởng thành như YanTV, VC Corporation, PeaceSoft, VinaGame (tiền thân của Tập đoàn VNG)… Hơn 10 năm sau đó, quỹ VinaCapital Ventures với quy mô 100 triệu USD cũng tập trung đầu tư vào các startup công nghệ sáng tạo. Quỹ đã đầu tư thành công vào nhiều startup như Logivan (dịch vụ vận chuyển hàng hóa), FastGo (dịch vụ gọi xe), UrBox (nền tảng quà tặng số), Wee Digital (công nghệ nhận diện sinh trắc học) và Got It (nền tảng giáo dục trực tuyến)…
Sự xuất hiện của các quỹ đầu tư ngoại đều góp phần khá lớn trong hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo của những DN công nghệ, viễn thông tại VN thời gian qua. Đến tháng 5.2015, một DN Việt là Tập đoàn FPT cũng công bố lập quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures. Không công bố quy mô vốn của quỹ nhưng thời điểm đó, lãnh đạo của FPT tuyên bố mỗi năm sẽ rót 3 triệu USD cho quỹ này. Thời gian qua, FPT Ventures đầu tư chính cho những công ty ngay trong nội bộ tập đoàn, gồm: Sendo.vn, Ants.vn, FPT Play, Nhacso.net, Viecnha.vn, gostudybooking.com, và Fshare.vn. Có thể thấy, hàng loạt DN từ nhỏ với sự rót vốn của các quỹ đầu tư đã lớn mạnh, trở thành những tên tuổi lớn trong ngành như PeaceSoft, Nhacso.net, Tiki hay thậm chí trở thành "kỳ lân" công nghệ như VNG, MoMo.
Chính vì vậy, việc Tập đoàn Vingroup thành lập quỹ đầu tư công nghệ VinVentures với số vốn lên đến 150 triệu USD khiến cho giới công nghệ phấn khởi. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet VN, cũng hào hứng trước việc quỹ đầu tư 100% vốn của DN Việt ra đời. Đặc biệt, từ quy mô đến lĩnh vực đầu tư gồm AI, bán dẫn và điện toán đám mây đều là những lĩnh vực then chốt và xu hướng phát triển mạnh của thế giới, cho thấy tầm nhìn xa của DN Việt. "Thêm quỹ đầu tư là có thêm nguồn vốn, bệ đỡ cho các công ty khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ quan trọng mà Chính phủ VN đang khuyến khích phát triển. Quỹ do DN Việt thành lập chắc chắn có tác động tích cực cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại VN thời gian tới", ông Liên hào hứng và phân tích: Chính phủ đã có nhiều chính sách, đề án thúc đẩy VN trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng ta đều biết, yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp phát triển là tạo ra môi trường nuôi dưỡng và hạ tầng thuận lợi. Nhưng để các startup thành công thì cần có bệ đỡ về nguồn vốn để nuôi dưỡng, duy trì và phát triển đến ngày có quả mà không bị "chết non".
"Các lĩnh vực như AI, bán dẫn nói riêng hay khởi nghiệp nói chung luôn đối đầu với nhiều thách thức, khó khăn và tỷ lệ thất bại khá lớn. Việc ra đời của quỹ đầu tư trong nước thật sự là quá mừng cho thấy tầm nhìn, nhận thức lẫn trách nhiệm của một tập đoàn lớn trong việc chung tay thúc đẩy phát triển ngành công nghệ của VN", ông Vũ Hoàng Liên nhận định.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận xét: Các DN tư nhân trong thời gian vừa qua đã có những chuyển biến tích cực sang những lĩnh vực sản xuất công nghiệp đòi hỏi áp dụng công nghệ nhiều hơn, năng suất cao hơn, đổi mới sáng tạo mạnh hơn. Một số tập đoàn lớn còn lập hẳn những viện nghiên cứu để tập trung đầu tư cho R&D, hay như Vingroup trước có cũng có các quỹ đầu tư nội bộ, những dự án công nghệ, chương trình tài trợ Dự án Khoa học và công nghệ của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF)… Những dự án này, chương trình này đã mang lại cho Vingroup nhiều thành quả đáng ghi nhận và khẳng định uy tín thông qua quy trình thẩm định bài bản, tốc độ giải ngân nhanh chóng, giúp nhiều dự án sớm đi vào thực tế. Việc khai sinh VinVentures cho thấy Vingroup không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm những giá trị mới cho bản thân mà đang hướng tới sự lan tỏa đến các DN vừa và nhỏ, các startup của VN. Đây là hành động dẫn dắt của 1 người anh lớn rất đáng khích lệ. Ưu thế của VinVentures là hệ sinh thái đa ngành nghề của Vingroup. Điều này đồng nghĩa, các startup sẽ có cơ hội kết nối với các công ty trong nhiều lĩnh vực để được tư vấn, thẩm định, thử nghiệm chất lượng trước khi ra thị trường, và sau đó có thể là các khách hàng trong tương lai. Ngoài ra, với mạng lưới quan hệ và nguồn lực mạnh mẽ của những tập đoàn lớn như Vingroup, các công ty khởi nghiệp có nhiều cơ hội để gặp gỡ, kết nối với các DN tầm cỡ thế giới khác, từ đó trưởng thành và lớn mạnh.
"Trước đây cũng ta có nhiều quỹ nội, cũng có nhiều nhà đầu tư ngoại tìm tới đầu tư cho các startup Việt, nhưng nhìn chung việc huy động vốn của các DN trẻ còn rất nhiều khó khăn; đa phần phải sang nước ngoài đăng ký gọi vốn. VinVentures ra đời đúng lúc đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên của công nghệ, mở đường cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành hiện thực", TS Võ Trí Thành đánh giá.
Nói về kế hoạch mở rộng phạm vi tiếp cận của VinVentures tới những startup trong khu vực như Singapore, Indonesia và Philippines, TS Võ Trí Thành cho rằng đây là định hướng rất đúng tinh thần kinh tế thị trường. VinVentures là quỹ đầu tư, không thể chỉ dựa vào lý tưởng mà còn phải hoạt động có hiệu quả. Hiệu quả đến từ chiến lược, góc nhìn ở nhiều thị trường khác nhau. VinVentures ưu tiên giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ, nâng đỡ, chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo của startup VN nhưng sau đó cũng cần tính đến việc mở rộng tìm kiếm thị trường, tìm kiếm những cơ hội tốt. Điều này không chỉ thể hiện tính hội nhập của kinh tế VN mà còn nâng cao hình ảnh của các DN, các tập đoàn lớn của VN trên trường quốc tế, khẳng định DN Việt rất muốn mang lại cuộc chơi cùng thắng cho các bên, những kết quả tốt đẹp cho sự phát triển chung của nhân loại.
Đồng tình, theo ông Vũ Hoàng Liên, quy luật tất yếu là các quỹ đầu tư ngoài việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng của các DN thì cũng luôn mong muốn có lợi nhuận ở các khoản đầu tư đã bỏ ra. Đối với các quỹ đầu tư nước ngoài, tương tự như dòng vốn FDI, sau một thời gian rót vốn đầu tư thì họ sẽ thoái vốn và thu về lợi nhuận, chuyển ra nước ngoài. Còn ở đây khi quỹ đầu tư trong nước như VinVentures nếu đạt được lợi nhuận thì dòng vốn cũng là của người Việt, cả quốc gia cùng có lợi. Song song đó, một quỹ đầu tư quy mô lớn của VN với tầm nhìn dài hạn có thể vươn mình ra khu vực, sẵn sàng cạnh tranh với những quỹ đầu tư quốc tế cũng góp phần đưa thương hiệu VN bước lên một vị thế mới. Bản thân các quỹ đầu tư sẽ có tiêu chí để rót vốn, nhưng ông cũng cho rằng việc đầu tư cần có phương pháp triển khai, phù hợp với thực tế VN để mang lại hiệu quả cho cả DN được rót vốn lẫn quỹ đầu tư. Đây là sự phát triển lâu dài cho cả hai bên và cũng góp phần thúc đẩy ngành công nghệ của VN lớn mạnh hơn nữa.
Bình luận (0)