Giáo sư (GS) Thành tuy được HĐQT của Trường ĐH Hoa Sen tín nhiệm với 16/18 phiếu bầu hiệu trưởng, nhưng luật Giáo dục ĐH quy định hiệu trưởng phải đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục ĐH. Từ công văn giải thích của Bộ GD-ĐT, trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng không đủ cơ sở pháp lý để xác nhận cụ thể nội dung tiêu chí này với trường hợp của GS Thành. Từ đó, Sở không đủ cơ sở để tham mưu, đề xuất UBND TP ban hành quyết định công nhận GS Thành là hiệu trưởng.
Khó thu hút trí thức VN từ nước ngoài
Trước sự kiện này, đa phần các trí thức, nhà khoa học nước ngoài đều bày tỏ e ngại quy định sẽ làm cản trở sự đóng góp của nhà khoa học VN ở nước ngoài về nước làm việc.
GS Trần Công Quý, Viện Công nghệ Kyoto (Nhật Bản), cho rằng VN đã mất đi một cơ hội để phát triển ĐH vì GS Trương Nguyện Thành từng làm Viện trưởng khoa học của Viện Khoa học tính toán (Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM). Hơn nữa, GS Thành có rất nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu ở ĐH Utah (Mỹ). Thêm nữa, ông cũng làm phó hiệu trưởng phụ trách, do đó khó có thể cho rằng GS Thành không đạt chuẩn để làm hiệu trưởng.
GS Quý nêu ý kiến: “Trước năm 2000, khoa học gia người Trung Quốc không muốn trở về nước để phục vụ. Nhưng sau năm 2000, chính phủ Trung Quốc đã thay đổi đường lối đối với Hoa kiều. Nhờ đó, có rất nhiều người Mỹ gốc Hoa đã trở về Trung Quốc cống hiến cho khoa học kỹ thuật của nước này. Vì vậy sau năm 2000, có rất nhiều công trình khoa học xuất phát từ Trung Quốc trên các tạp chí khoa học có tiếng trên thế giới. Với chính sách cởi mở này, đất nước họ đã tiến rất xa so với những năm 1980 và 1990”.
Còn GS Võ Văn Trương (ĐH Concordia, Canada) nhận định: “Rất tiếc là VN vẫn còn có những lệ luật, quy định quá cứng nhắc. Thành thử rất khó thu hút một số người ở nước ngoài về đóng góp cho VN. Trong tình hình hiện tại, nếu muốn thu hút người tài về VN, Bộ GD-ĐT phải thực sự cởi mở và xét lại tất cả các tiêu chuẩn của mình”.
GS Trương cho rằng quy định hiện nay cứng nhắc. “Ở Canada, tôi có dịp làm quản lý ĐH ở các vị trí khác nhau (trưởng khoa, phó hiệu trưởng) trong nhiều năm cho 2 trường ĐH. Chưa bao giờ việc tuyển lựa hiệu trưởng cho một trường mà Chính phủ can thiệp hay có ảnh hưởng. Người ta cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm quản lý nhưng không bắt buộc phải có một số năm nhất định trong một vị trí nào”, GS Trương nói.
Quyền tự chủ ĐH ở đâu ?
Câu chuyện của GS Trương Nguyện Thành còn liên quan đến một vấn đề của giáo dục ĐH VN trong nhiều năm qua là tự chủ. Một hiệu trưởng được HĐQT bầu ra sẽ chịu sự can thiệp đến mức nào của cơ quan quản lý?
Ngày 5.5, ông Vũ Văn Tấn, Chánh văn phòng Ban Giám hiệu Trường ĐH Hoa Sen, cho biết hiện tại lãnh đạo nhà trường vẫn ủng hộ GS Thành làm hiệu trưởng và trường vẫn chờ quyết định chính thức của UBND TP.HCM về chuyện này.
Ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Thủ tướng thành lập, cho biết ông thắc mắc ở trường hợp của GS Thành. Đó là tại sao HĐQT không kiến nghị lên Bộ GD-ĐT, thậm chí lên đến Thủ tướng đặt vấn đề xem xét lại. HĐQT cũng phải lên tiếng, kiến nghị, đấu tranh cho quan điểm của mình. “Nếu Trường ĐH Hoa Sen là trường công thì khó nói được chuyện này nhưng đây là trường tư, tính tự chủ vẫn cao hơn rất nhiều”, ông Cảnh khẳng định.
Theo ông Cảnh, câu chuyện của GS Thành diễn ra trong thời điểm luật Giáo dục ĐH vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa, trình Quốc hội. Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực có đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình chỉnh sửa, trong đó một vấn đề khá quan trọng là tự chủ ĐH. Nhất là ở trường ĐH ngoài công lập, tính tự chủ càng phải cao.
Ông Cảnh cho biết những công việc mà GS Thành đảm nhận ở ĐH Utah theo tìm hiểu của Bộ GD-ĐT là chính xác. Ông chưa làm trưởng khoa/phòng như VN, chỉ là chủ tịch một số hội đồng. Tuy nhiên, thời gian một năm ông làm phó hiệu trưởng tại Trường ĐH Hoa Sen đã được HĐQT tín nhiệm, cũng nên xem xét.
“Tuy nhiên, quy định pháp luật như vậy là cứng, không áp dụng được cho nhiều trường hợp nên sẽ không hiệu quả. Quy định cứng sẽ làm triệt tiêu nhiều tiềm năng, không phù hợp điều kiện phát triển. Rất nhiều trường bên Mỹ, kể cả trường nổi tiếng, người quản lý chỉ là thạc sĩ hay luật sư thôi, nhưng điều hành trường rất hiệu quả. Khả năng điều hành dựa trên công việc cụ thể, không phải trên bằng cấp hay tiêu chí nào”, ông Cảnh nói.
Ông Cảnh cũng cho biết ông mong đưa trường hợp cụ thể này ra thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục theo hướng nâng cao tự chủ ĐH. Từ đó, góp ý thêm để chỉnh sửa luật Giáo dục ĐH. Theo ông Cảnh, quan trọng nhất là quyền quyết định của trường ĐH đến mức độ nào?
Bình luận (0)