Quy định đã có, nhưng phụ cấp chỉ thấy… trên giấy!

15/05/2024 06:42 GMT+7

Mặc dù đã có quy định rõ ràng, nhưng nhiều năm qua, nhân viên thư viện tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho biết họ vẫn chưa được hưởng các khoản hỗ trợ và trợ cấp độc hại cho công việc này.

Mòn mỏi chờ hưởng chính sách

Phản ánh với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Chiêm (nhân viên thư viện Trường tiểu học Kim Đồng, TP.Thái Bình), cho biết bà trúng tuyển viên chức từ tháng 1.2008 với mức lương thực lĩnh là 908.000 đồng. Sau 17 năm công tác, đến nay, mức lương bà Chiêm hưởng là 5.280.000 đồng.

Quy định đã có, nhưng phụ cấp chỉ thấy… trên giấy!- Ảnh 1.

Thư viện tại nhiều trường ở Thái Bình hoạt động rất hiệu quả trong việc cung cấp tài liệu cho học sinh

CÙ HIỀN

Quá trình công tác, công việc chính của bà Chiêm là nhân viên thư viện kiêm quản lý thiết bị, kiêm văn phòng, phụ trách công tác phổ cập xóa mù chữ, công nghệ thông tin và trực y tế. Ngoài ra, bà Chiêm còn làm các công việc khác do ban giám hiệu nhà trường phân công đột xuất.

Theo bà Chiêm, ngoài quyết định của Bộ GD-ĐT quy định khoản phụ cấp nhân viên thư viện được nhận thì tại điều 6 Thông tư số 24/2022 của Bộ LĐ-TB-XH cũng quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.

Với quy định của thông tư này, bà Chiêm sẽ được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật mức 2 (tương ứng với 20.000 đồng/ngày làm việc). Tuy nhiên, suốt nhiều năm nay, bà Chiêm khẳng định không nhận được bất kỳ khoản phụ cấp nào.

Tương tự, bà Phạm Thị Giang Nam (41 tuổi, nhân viên thư viện Trường tiểu học và THCS Thanh Tân, H.Kiến Xương, Thái Bình) cũng trúng tuyển ngạch viên chức từ năm 2008. Cùng thời gian cống hiến như bà Chiêm, bên cạnh đảm nhận vị trí nhân viên thư viện, bà Nam còn kiêm nhiệm một phần công việc văn phòng và làm thủ quỹ. Mức lương hiện tại của bà Nam chỉ là 5.251.000 đồng và không có thêm khoản phụ cấp nào khác.

"Suốt nhiều năm với số lương ít ỏi và phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, tôi mong muốn được hưởng khoản phụ cấp độc hại và bồi dưỡng hiện vật theo các quy định của Nhà nước. Đó là những khoản phụ cấp chúng tôi xứng đáng được nhận", bà Nam bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại khoản 1 điều 9 chương V Quyết định số 01/2003 của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông…, nếu cán bộ thư viện trường học không phải là giáo viên, nhưng được đào tạo nghiệp vụ thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành văn hóa - thông tin quy định.

Thực tế, các chế độ phụ cấp với nhóm đối tượng này cũng được quy định cụ thể tại nhiều văn bản liên quan, như tại Thông tư số 26/2006/TT- Bộ VHTT (nay là Bộ VH-TT-DL) ngày 21.2.2006 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin.

Cùng đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng có Thông tư số 11/2020/TT ngày 12.11.2020 về việc ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó quy định nhân viên thư viện trường học thuộc mức 2; được hưởng phụ cấp độc hại 0,2.

Tại thông tư số 24/2022/TT ngày 30.11.2022 cũng của Bộ LĐ-TB-XH còn nêu rõ việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại với 4 mức: mức 1 là 13.000 đồng, mức 2 là 20.000 đồng, mức 3 là 26.000 đồng, mức 4 là 32.000 đồng.

Như thế, các quy định đã có từ rất lâu nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay nhiều nhân viên thư viện các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn chưa nhận được khoản phụ cấp này. Hiện H.Tiền Hải là đơn vị duy nhất của tỉnh Thái Bình đã thực hiện chi trả phụ cấp cho nhân viên thư viện, trong đó, những nhân viên thư viện có quyết định của UBND huyện thì kinh phí chi trả được lấy nguồn ngân sách huyện; trường hợp kiêm nhiệm thì nhà trường lấy từ nguồn chi thường xuyên.

Cần hướng dẫn chi tiết từ Bộ GD-ĐT

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trần Thị Bích Vân, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình, cho biết Bộ GD-ĐT đã có 2 văn bản quy phạm liên quan đến tiêu chuẩn thư viện, quy định về cán bộ làm công tác thư viện trường phổ thông và quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, Bộ Nội vụ còn có Thông tư số 07 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ công chức, viên chức…

Thế nhưng, theo bà Vân, quá trình thực hiện địa phương đã gặp một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, nếu nhân viên thư viện chuyên trách tại các trường có quy mô lớn thì liên quan đến số giờ làm việc/ngày và phải đảm nhận được các nhiệm vụ tiêu chuẩn đặt ra. Còn với nhân viên thư viện nhưng chưa có chứng chỉ chuyên môn mà chỉ kiêm nhiệm thì chưa có quy định cụ thể về mức chi trả. Vì lẽ này, theo bà Vân, đến nay địa phương vẫn lúng túng trong áp dụng.

"Chúng tôi thiếu một bản hướng dẫn chi tiết để hiểu rõ hơn những đối tượng nhận phụ cấp và mức phụ cấp đối với nhóm đối tượng này. Hiện chúng tôi đang đợi bản phê duyệt vị trí việc làm. Đối với ngành GD-ĐT, nếu trong chế độ tiền lương mới, tính luôn được mức độ độc hại cho nhân viên thư viện của trường học thì sở GD-ĐT sẽ dễ áp dụng", bà Vân giải thích.

Trường hợp nếu không tính mức độ độc hại vào bảng lương mới, bà Vân mong Bộ GD-ĐT đo lường chi tiết các mức độ hưởng phụ cấp và mức độ độc hại để ngành GD-ĐT địa phương có hướng xử lý.

"Nếu chỉ dựa trên những thông tư, quyết định chung chung thì sẽ rất khó để áp dụng vào thực tiễn", bà Bích Vân phàn nàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.