Như Thanh Niên thông tin, là địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng nề nhất trong đợt dịch thứ 4, song hiện tại TP.HCM cũng là địa phương “mở” nhất về các hoạt động sau khi bỏ giãn cách. Tuy nhiên người vào TP.HCM thì dễ, từ TP đến các địa phương khác lại là một bài toán khó.
Bến xe Miền Đông trước ngày chạy liên tỉnh: Khách gọi ‘cháy’ máy |
Nguyên do, ngày 6.10, Bộ Y tế có Công văn 8399 hướng dẫn các tỉnh, thành về việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch đối với người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Theo đó, với những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ khi về địa phương và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất.
Hành khách lên tàu về Quảng Bình từ ga Sài Gòn ngày 9.10 |
NGUYỄN ANH |
Những người tiêm chưa đủ liều vắc xin sẽ thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về. Những người chưa tiêm vắc xin phải cách ly 14 ngày. Thế nhưng, khi thực hiện mỗi địa phương lại vận dụng khác nhau về việc cách ly, gây nhiều khó khăn cho người dân có nhu cầu về quê hoặc di chuyển trong trường hợp cấp bách.
Không nên cứng nhắc, cực đoan
Liên quan vấn đề này, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bức xúc cho rằng một số địa phương còn cứng nhắc trong vận dụng quy định phòng chống dịch, gây khó khăn cho người dân đi lại, trong đó có tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, dù hiện nay VN đã thay đổi chiến lược từ Zero Covid-19 (không có Covid-19) sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
“Đã chấp nhận mở cửa sống chung với dịch mà sao lại không thống nhất các quy định. Đợi không còn ca nhiễm nào là điều không thể. Mở cửa cho người dân đi lại, tiêm vắc xin, khôi phục kinh tế là điều cấp bách. Không thể cứ còn bệnh là đóng cửa hoài được, những nguồn lực mạnh trên thế giới còn chào thua với đóng cửa mà”, BĐ Phước Bảo ý kiến.
Đồng quan điểm, BĐ Van Thuy cho rằng Zero Covid-19 là điều không thể, vì vậy biện pháp đề phòng là cần thiết, nhưng không thể thực hiện theo kiểu cứng nhắc, cực đoan. Còn BĐ Mai Hồng ý kiến: “Tôi thấy vấn đề đi lại giữa các tỉnh thành đang có nhiều bất cập mà nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu thống nhất, cục bộ trong chính sách của từng địa phương. Chúng ta cần phải linh hoạt đưa ra những quy định phù hợp và sát tình hình thực tiễn hiện nay. Tránh máy móc mỗi nơi một phách ảnh hưởng đến người dân và việc phục hồi kinh tế sau dịch”.
Giá vé máy bay cao, nữ công nhân vẫn ‘bấm bụng’ chi gần 15 triệu đưa con về quê |
Cần nới lỏng có kiểm soát
Nhiều ý kiến cũng cho rằng trong khi độ phủ vắc xin chưa cao, quy định ngặt nghèo tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được đi lại bằng máy bay đang “trói chân” người dân các tỉnh, đặc biệt là trẻ em trước nhu cầu được trở về nhà. “Các địa phương phải thống nhất trong việc đưa ra chính sách, chứ không phải tỉnh này làm một đường, tỉnh kia thực hiện một nẻo. Như vậy, càng làm người dân hoang mang hơn. Hơn nữa, việc yêu cầu người dân phải tiêm 2 mũi mới được di chuyển cũng sẽ rất bất cập, vì một số người lớn ở tỉnh và hầu hết trẻ em vẫn chưa được tiêm, khác nào làm khó họ. Theo tôi, khi di chuyển, chỉ cần xác nhận âm tính và thực hiện nghiêm ngặt 5K là được”, BĐ Hồng Nhi đề nghị.
Tương tự, BĐ Lê Hùng viết: “Việc mở đi lại liên tỉnh là điều cần thiết để người dân thuận tiện di chuyển, đồng thời vực dậy nền kinh tế sau dịch. Chúng ta cần có những chính sách, quy định thuận tiện cho người dân chứ không nên đưa ra những nguyên tắc cứng nhắc. Điển hình là việc phải tiêm 2 mũi vắc xin mới được phép bay, không sát với thực tiễn hiện nay. Như vậy thì việc mở rộng đi lại chỉ nằm trên giấy tờ”.
“Theo tôi, nên cho tất cả những ai tiêm đủ 2 mũi, 1 mũi trên 14 ngày được đi tất cả các tỉnh, thành và bằng các phương tiện, không cần phải xét nghiệm Covid-19. Còn chưa tiêm vắc xin thì bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ của trung tâm y tế là được. Tất cả phải thực hiện nghiêm 5K”, BĐ Tuan Thuong đề xuất.
* Đất nước ta còn nghèo, số lượng vắc xin nhập về đều phụ thuộc vào nhà cung cấp, chưa thể có đủ để tiêm đủ 2 mũi cho toàn dân, nên quy định về đi lại cần xem xét cho phù hợp. Chưa kể, nếu quy định người có đủ 2 mũi mới được đi lại liên tỉnh thì các cháu dưới 18 tuổi sẽ ra sao khi ta chưa tiêm được vắc xin cho nhóm đối tượng này?
BĐ Quang Luan
* Tiêm vắc xin để phòng chống Covid-19 và đạt miễn dịch cộng đồng, còn cách ly để người nhiễm không lây lan ra cộng đồng. Vậy hà cớ gì người không nhiễm, có xét nghiệm âm tính mà cứ bị các tỉnh các ngành cấm đoán buộc cách ly?
Trang
* Quy định cho người đi lại cần rõ ràng, thực tế và thống nhất trên toàn quốc, không thể mỗi nơi một kiểu gây khó cho dân.
Bao Đen
Bình luận (0)