Sáng 29.3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Giáo dục (sửa đổi). Tại đây, nhiều vấn đề về chính sách dành cho nhà giáo đã được nêu ra..
Cần chính sách cho đội ngũ quản lý
Bà Nguyễn Thị Minh Khanh, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP.HCM, nói: “Ngành giáo và ngành y liên quan đến xã hội rất nhiều. Trong khi ngành y cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm việc trong ngành và người vi phạm có thể bị tước thẻ hành nghề, vậy nên chăng giáo viên (GV) vi phạm các quy định nhà giáo cũng nên bị tước chứng chỉ hành nghề giống như với ngành y?”.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM), kiến nghị cần có thêm chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý. Ông Tân chia sẻ thực tế ngay tại TP.HCM có nhiều người năn nỉ xin thôi không lên làm quản lý. Điều này cho thấy áp lực rất lớn đối với việc quản lý nên cần có chính sách thu hút cán bộ giỏi tham gia vào đội ngũ này.
Áp lực tăng sĩ số học sinh ở các thành phố lớn
Về tuyển dụng đội ngũ GV, theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM, Thông tư 06 quy định vị trí việc làm của GV trong trường học đang gây khó khăn cho các trường trong việc tuyển dụng. Chẳng hạn, một GV tiểu học dạy lớp 5 của TP.HCM khác rất nhiều so với GV lớp 5 ở địa phương khác vì họ đang “gánh” lớp học với sĩ số 57 học sinh trong khi điều lệ trường quy định chỉ 30 học sinh. Mỗi năm, TP.HCM tăng 67.000 người học các bậc từ mầm non đến phổ thông. Theo bà Nhung, áp lực GV tại TP.HCM và Hà Nội rất lớn nên cần có tính toán đặc thù cho các địa phương này trong việc tuyển dụng biên chế GV.
Còn đại diện Sở Tư pháp TP.HCM góp ý, điều 72 quy định các hành vi nhà giáo không được làm có câu “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” cần chỉnh sửa lại. Việc chứng minh được 2 yếu tố khi xử phạt là ép buộc và thu tiền, trong khi việc ép buộc khó tìm chứng cứ, nên chăng chỉ là “không được dạy thêm trái quy định”?
Bình luận (0)