Quy định mới ‘cởi nút thắt’ cho hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam

17/02/2020 12:09 GMT+7

Nghị định 17/2020 vừa được Chính phủ ban hành với nội dung sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 116/2017, đã gỡ bỏ một số quy định liên quan đến hoạt động nhập khẩu ô tô, trong đó đáng chú ý là việc kiểm tra theo lô xe hay giấy chứng nhận kiểu loại…

Sau hơn 2 năm triển khai, những “nút thắt” trong hoạt động nhập khẩu ô tô của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam, quy định tại Nghị định 116/2017, giờ đây đang dần được tháo gỡ.
Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 17/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều kiện liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương. Trong đó, đáng chú ý Nghị định 17/2020 đã gỡ bỏ một số quy định về giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm tra theo từng lô xe nhập khẩu… trước đó, từng được quy định tại Nghị định 116/2017, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam.

Nghị định 17/2020 đã bãi bỏ khoản 11, điều 3 với nội dung giải thích về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA)

Cụ thể, Nghị định 17/2020 đã bãi bỏ khoản 11, điều 3 với nội dung giải thích về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) từng được quy định tại Nghị định 116/2017.
Đối với việc quản lý chất lượng ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam, Nghị định 17/2020 nêu rõ: “Với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại, thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất”.
Còn với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước ngoài áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường.

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam thay vì kiểm tra theo lô mất nhièu thời gian như trước đây, sẽ được kiểm tra, thử nghiệm mẫu xe đại diện

Như vậy, các mẫu ô tô chưa qua sử dụng được nhập khẩu sẽ không cần giấy chứng nhận kiểu loại (VTA) như trước mà thay vào đó sẽ được đánh giá kiểu loại ngay tại Việt Nam, dựa trên việc kiểm tra, thử nghiệm mẫu xe đại diện và kết quả đánh giá điều kiện tại cơ sở sản xuất (nếu quốc gia đó không tự chứng nhận). Tần suất đánh giá kiểu loại tối đa 36 tháng/lần.
Trong khi đó, các mẫu mã ô tô đã có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) không cần phải kiểm, đánh giá lại. VTA đã được cung cấp sẽ có hiệu lực trong vòng 36 tháng. Sau thời hạn này, ô tô mới cùng kiểu loại nhập về mới phải đánh giá lại kiểu loại.
Trước đó, vào đầu năm 2018 khi Nghị định 116/2020 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô chính thức có hiệu lực, hoạt động nhập khẩu ô tô của nhiều doanh nghiệp vào Việt Nam bị ảnh hưởng.

Với quy định mới tại Nghị định 17/2020, khó khăn trong hoạt động nhập khẩu ô tô đã phần nào được tháo gỡ

Việc chưa thể cung cấp kịp thời Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) khiến một số doanh nghiệp không thể nhập khẩu ô tô về Việt Nam. Bên cạnh đó, việc phải đáp ứng quy định kiểm tra theo từng lô khiến thời gian nhập khẩu thông quan bị kéo dài. Kế hoạch phân phối ô tô nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp, đại lý bị ảnh hưởng, dẫn tới việc một số mẫu mã ô tô khan hàng, đội giá.
Tuy nhiên, với quy định mới tại Nghị định 17/2020 vừa được Chính phủ ban hành, “nút thắt” trong hoạt động nhập khẩu ô tô đã phần nào được tháo gỡ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.