Đây được xem là chính sách mới nhất của TP liên quan đến đền bù, giải tỏa với nhiều điểm đáng chú ý.
Dự thảo Quyết định chỉ áp dụng với những dự án thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế; các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Các dự án thuộc cộng đồng dân cư xây dựng, chỉnh trang các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước hỗ trợ... thì không thuộc phạm vi áp dụng quy định này.
Đối tượng áp dụng trong dự thảo được mở rộng hơn, cụ thể là tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích nói trên (gọi chung là người bị thu hồi đất).
Hướng mở cho đất nông nghiệp
Một điểm mới của quy định này là hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao không được công nhận là đất ở. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở dọc kênh mương và dọc tuyến đường giao thông thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 40% giá đất ở của thửa đất đó theo giá đất ở để tính bồi thường do UBND TP phê duyệt.
Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 50% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi theo quy định. Phần được hỗ trợ là diện tích đang sử dụng thực tế nhưng không quá 5 lần hạn mức giao đất ở theo quy định.
Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng của loại đất bị thu hồi, được UBND TP quy định và công bố vào ngày 1.1 hàng năm.
Dự thảo cũng quy định rõ, đối với phần diện tích đất trước khi Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất đã cắt lộ giới (không được công nhận) và người dân vẫn đang sử dụng phần diện tích này, thì khi Nhà nước thu hồi được tính bồi thường, hỗ trợ.
Ngoài ra, đối với những trường hợp không đủ điều kiện mua nhà thuộc sở hữu nhà nước, không được tính hỗ trợ về nhà, đất mà chỉ tính hỗ trợ một lần bằng tiền để tự di dời với mức 20 triệu đồng/hộ thì nay mức hỗ trợ cụ thể được tính bằng 40% giá trị đất và giá trị nhà đang thuê...
Hỗ trợ để bảo đảm TĐC
Dự thảo quy định người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được bố trí TĐC bằng một trong 3 hình thức sau: Bồi thường bằng nhà ở (căn hộ chung cư), bồi thường bằng giao đất ở mới, bồi thường bằng tiền để tự lo nơi ở mới.
Vấn đề được đông đảo người dân giải tỏa quan tâm là: Hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện TĐC nhận đất ở, nhà ở TĐC mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất TĐC tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở, nhà ở tại khu TĐC thì được nhận tiền tương đương với khoản chênh lệch đó. Cụ thể, đối với quận, huyện có căn hộ chung cư để bố trí thì diện tích căn hộ chung cư tối thiểu để tính hỗ trợ là 30m2; đối với các quận, huyện không có căn hộ chung cư thì diện tích tối thiểu là 40m2. Phần diện tích lớn hơn 30m2 và 40m2 người bị thu hồi đất phải thanh toán tiền theo quy định.
Đối với các hộ bị thu hồi toàn bộ nhà, đất đủ điều kiện TĐC theo quy định, có hoàn cảnh thực sự khó khăn về chỗ ở mới do UBND phường, xã, thị trấn xác nhận, nếu tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ không đủ thanh toán giá trị nhà ở, đất ở trong khu TĐC, thì Hội đồng bồi thường dự án xem xét giải quyết trả chậm, trả góp phần giá trị chênh lệch lớn hơn của suất TĐC tối thiểu về nhà ở, đất ở với thời hạn tối đa là 15 năm...
Nếu như trước đây chưa có quy định việc xử lý TĐC đối với những trường hợp không đủ điều kiện TĐC, thì nay theo quy định mới, nếu người bị thu hồi đất không đủ khả năng mua nhà ở, đất ở TĐC thì được xem xét giải quyết cho thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Chính sách mới phải theo hướng có lợi cho dân Ủy ban MTTQ TP sẽ có văn bản kiến nghị UBND TP đăng tải công khai toàn văn dự thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân đóng góp ý kiến, trước khi ban hành. Đó là kiến nghị của các đại biểu khi tham dự Hội nghị góp ý dự thảo Quyết định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP, do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức ngày 30.3. Theo dự thảo, về bồi thường đối với đất nông nghiệp quy định: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường bằng tiền... Giá đất để tính bồi thường do UBND TP quy định và công bố hàng năm tại thời điểm thu hồi đất”. Theo ông Trần Thanh Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ H.Củ Chi, nếu áp dụng giá đất quy định này để bồi thường cho người bị thu hồi đất thì người dân sẽ không đồng thuận. “Vì theo bảng giá đất do UBND TP công bố hàng năm là quá thấp, giá đất này chỉ áp dụng cho việc tính thuế, tiền sử dụng đất và thuê đất...”. Do đó, ông Sơn đề nghị cần quy định: “Giá đất nông nghiệp để tính bồi thường sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trong điều kiện bình thường, trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn xác định giá các loại đất bị ảnh hưởng của dự án”. Quy định về TĐC là vấn đề được hội nghị dành thời gian góp ý nhiều nhất. Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP nói, rải rác trong dự thảo vẫn còn cơ chế xin cho. “TĐC là quyền lợi của dân, Nhà nước và chủ đầu tư phải có trách nhiệm bố trí TĐC trước khi thu hồi đất. Vấn đề này cần được quy định dứt khoát, rõ ràng”, ông Khoa nhấn mạnh. Đồng tình với đại biểu Khoa, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, kiến nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm và có sự ràng buộc hoặc chế tài đối với chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong việc lo TĐC cho dân. “TĐC cho dân phải đúng theo tiêu chí “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” chứ không nói chung chung như quy định trước nay”. Nhiều đại biểu không đồng tình khi dự thảo quy định không áp dụng quyết định mới này đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC... đã được phê duyệt trước ngày 1.10.2009. Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM đề nghị nên xem xét lại quy định này theo hướng có lợi cho dân, vì thực tế có nhiều dự án “treo”, kéo dài thời gian triển khai, đó là lỗi của chủ đầu tư, nếu áp dụng theo giá cũ thì không sòng phẳng, gây nhiều thiệt hại cho người bị thu hồi đất. Mặt khác, đối với các dự án có mục đích kinh tế thì cần tăng mức bồi thường, hỗ trợ cho dân. |
Minh Nam
Bình luận (0)