Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Những cái 'không' đáng chú ý

04/01/2025 05:33 GMT+7

Không dạy thêm với học sinh tiểu học, không dạy thêm (có thu tiền) với học sinh chính khóa; không xen kẽ giờ dạy thêm với giờ học chính khóa… là những cái "không" đáng chú ý trong quy định quản lý dạy thêm học thêm do Bộ GD-ĐT mới ban hành.

Bộ GD-ĐT vừa công bố Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30.12.2024 quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT). Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17 từ năm 2012. So với dự thảo công bố trước đó 4 tháng, quy định chính thức đã có những tiếp thu, điều chỉnh đáng kể.

CẤM DẠY THÊM CÓ THU TIỀN NGOÀI NHÀ TRƯỜNG VỚI HỌC SINH CỦA MÌNH

Với hoạt động DTHT ngoài nhà trường, dự thảo được Bộ GD-ĐT công bố lấy ý kiến xã hội cuối tháng 8.2024 không cấm giáo viên (GV) DTHT với chính học sinh (HS) mà mình giảng dạy ở trường. Dự thảo quy định: "Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của GV có HS của lớp mà GV đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các HS đó (họ và tên HS; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc HS học thêm". Dự thảo cũng bỏ quy định cấm DTHT với HS tiểu học đã được nêu tại Thông tư 17 về quản lý DTHT ban hành cách đây 13 năm.

Hiệu trưởng nói về quy định mới dạy thêm, học 0106

Đây cũng là một trong những nội dung gây tranh cãi nhiều nhất tại dự thảo này. Nhiều ý kiến tỏ ra rất lo ngại khi Bộ GD-ĐT có xu hướng nới lỏng quản lý DTHT vốn nhức nhối hàng chục năm qua. Khi đó, đại diện ban soạn thảo lý giải với PV Thanh Niên: "Thầy cô được đàng hoàng dạy HS của mình ngoài nhà trường nhưng đó phải là nguyện vọng thực sự của hai bên, tuyệt đối không được ép buộc".

Tuy nhiên, quy định vừa ban hành đã sửa theo hướng: "GV đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường". Theo Bộ GD-ĐT, điều này để hạn chế việc GV đưa HS của mình ra ngoài dạy thêm.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Những cái 'không' đáng chú ý- Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM học thêm sau giờ chính khóa. Bộ GD-ĐT chính thức có quy định về dạy thêm, học thêm thay thế quy định hiện hành

ẢNH: NHẬT THỊNH

Quy định mới cũng không cấm GV dạy thêm ngoài nhà trường nhưng nêu rõ: "GV thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường".

Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, trong đó: "Không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".

KHÔNG XẾP GIỜ DẠY THÊM XEN KẼ CHÍNH KHÓA

Đối với DTHT trong nhà trường, thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 loại, là những HS thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền: HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định về việc xếp lớp, phân công GV, xếp thời khóa biểu và tổ chức DTHT phải bảo đảm yêu cầu như: lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 HS theo quy định của Điều lệ trường phổ thông; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông).

Đáng chú ý, theo Bộ GD-ĐT, để hạn chế tiêu cực bắt ép HS học thêm, thông tư mới quy định không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Bộ GD-ĐT cho rằng: "Các quy định như trên nhằm đảm bảo tăng cường trách nhiệm của các nhà trường trong việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Các nhà trường có cơ hội dành quỹ thời gian và không gian của nhà trường chưa được khai thác hết để tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… nhằm phát triển toàn diện học sinh; đồng thời, hạn chế được hành vi "ép buộc HS học thêm" gây bức xúc trong dư luận".

Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Những cái 'không' đáng chú ý- Ảnh 2.

Theo quy định của thông tư mới, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của luật Doanh nghiệp

ảnh: nhật thịnh


DẠY THÊM NGOÀI NHÀ TRƯỜNG PHẢI ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Theo quy định của thông tư mới, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức DTHT ngoài nhà trường có thu tiền của HS phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của luật Doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức DTHT; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức DTHT; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp DTHT nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lý an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần đề xuất Bộ KH-ĐT đưa việc cấp phép tổ chức DTHT văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này.

Tuy nhiên, đề nghị này của Bộ GD-ĐT chưa được chấp nhận. Do vậy, việc cấp phép kinh doanh đối với dạy thêm theo thông tư vừa ban hành cũng chưa rõ sẽ theo quy định nào. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục đề xuất nội dung này để đảm bảo công tác quản lý tại các cơ sở DTHT trong và ngoài nhà trường.

Về vấn đề giám sát DTHT, Bộ GD-ĐT cho biết việc giám sát không chỉ có ngành giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính HS và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.

Bỏ tư duy "không quản được thì cấm"

Giải thích về việc xây dựng và ban hành quy định mới về DTHT, Bộ GD-ĐT dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, trong đó yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cho rằng DTHT là nhu cầu có thực của xã hội và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT là phải ban hành quy định để quản lý vấn đề này. Bộ GD-ĐT cho biết tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, của các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, chuyên gia; ý kiến của người dân qua phương tiện thông tin đại chúng, khi xây dựng thông tư mới quy định về DTHT, Bộ xác định chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.

Theo Bộ GD-ĐT, Thông tư quy định về DTHT được xây dựng lần này với mục đích cụ thể hóa quy định của luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý hoạt động DTHT; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT mới và các quy định của pháp luật có liên quan.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT cho biết thông tư mới được xây dựng trên 3 quan điểm: Thứ nhất, DTHT liên quan đến hoạt động giáo dục, tới HS và GV nên cần phải quản lý thông qua việc ban hành các quy định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của GV, HS, gia đình HS theo quy định hiện hành. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm ban hành quy định bảo đảm việc DTHT phải tuân thủ các quy định của pháp luật đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Thứ hai, việc tổ chức DTHT phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của GV.

Thứ ba, việc tổ chức DTHT phải bảo đảm lợi ích của HS; ngăn chặn nguy cơ dẫn đến tình trạng HS mặc dù không có nguyện vọng, không có nhu cầu nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp dạy thêm do nhà trường, GV tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.