Quy định này vô hình trung làm khó doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh vào thời điểm cuối năm.
Thuế tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% thuế năm
Tại khoản 6, điều 8, Nghị định 126/2020 hướng dẫn thi hành luật Quản lý thuế (gọi tắt NĐ 126) quy định “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”.
Với quy định này, trường hợp DN nộp thuế thu nhập quý 1, 2, 3 thấp nhưng quý 4 tăng, đặc biệt tăng đột biến, khiến tỷ lệ nộp thuế 3 quý đầu năm thấp hơn 75%, sẽ dẫn đến chậm nộp.
Ví dụ, DN có thu nhập quý 1 là 100 tỉ đồng, thuế TNDN tạm nộp 20 tỉ đồng; quý 2 có thu nhập 100 tỉ đồng, tạm nộp 20 tỉ đồng; quý 3 thu nhập 100 tỉ đồng, tạm nộp 20 tỉ đồng. Thế nhưng qua quý 4 có thu nhập tăng lên 200 tỉ đồng, thuế tạm nộp 40 tỉ đồng. Cộng lại cả năm, thu nhập của DN là 500 tỉ đồng, có số thuế phải nộp là 100 tỉ đồng. Như vậy số thuế tạm nộp của 3 quý chỉ đạt 60/100 tỉ đồng, tương ứng 60%, tức thấp hơn quy định 75% với số thuế phải nộp là 75 tỉ đồng. Nếu áp theo quy định trên, DN này phải đóng thêm tiền chậm nộp 679,5 triệu đồng (75 tỉ - 60 tỉ = 15 tỉ đồng; 15 tỉ đồng x 0,03%/ngày x 151 ngày).
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét quy định trên hết sức vô lý, trong khi 3 quý đầu năm DN đã nộp đúng quy định của pháp luật thuế hiện hành, nhưng cuối năm nếu thu nhập quý 4 lớn hơn bình quân 3 quý đầu năm thì bị tính tiền chậm nộp tiền thuế trong 5 tháng. Trong khi thông thường thời điểm cuối năm các DN tăng tốc các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong trường hợp thu nhập của DN tăng đột biến trong quý này sẽ càng khổ với quy định trên. Chẳng hạn, thu nhập của DN quý 4 mà tăng lên 500 tỉ đồng, số tiền chậm nộp sẽ lên đến 2,718 tỉ đồng. Như vậy, DN càng nỗ lực sản xuất kinh doanh vào thời điểm cuối năm, càng dễ dính vi phạm và bị nộp phạt thuế.
Đẩy doanh nghiệp vào tình huống vi phạm
Ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, nhận xét: “Khoản 6, điều 8 làm khó DN và đẩy hàng loạt DN vào tình huống vi phạm, bị tính tiền chậm nộp”. Theo phân tích của ông Tú, quy định cho phép DN được phép tạm tính thuế 3 quý đầu năm và tạm nộp. Ở đây dùng từ “tạm nộp” có nghĩa là ước tính số thuế, đến cuối năm quyết toán thuế TNDN, lúc này mới biết được tổng số thuế. Như vậy, DN làm sao xác định được số thuế của cả năm để biết được đã nộp 75% hay chưa. Quý 4 là quý mang tính chất “sống còn”, quyết định năm thành công hay không trong sản xuất kinh doanh, các DN thường tập trung lực mạnh vào quý này.
Đặc biệt hơn, năm nay dịch Covid-19, bão lũ triền miên nên hoạt động sản xuất kinh doanh 3 quý đầu năm DN khó khăn mà phải tính toán cho quý 4 hoạt động thế nào cho hiệu quả thì lại vướng quy định này. Ở đây, luật cho phép DN tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm nên có thể cơ quan quản lý lo ngại DN để tiền thuế lại mà chưa đóng ngay. “Nhưng cũng đâu làm mất đi tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước. DN để lại thì họ cũng đưa tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thêm thu nhập. Cơ quan quản lý ra một bài toán buộc DN phải tính toán đến mức độ chính xác thu nhập của năm bao nhiêu nếu như không muốn tính tiền chậm nộp. Điều này làm DN mất động lực sản xuất kinh doanh vào quý cuối năm”, ông Tú kiến nghị dự thảo nghị định đưa ra không có quy định này cũng như trong luật Quản lý thuế không đề cập, nên cơ quan quản lý cần sửa đổi sớm quy định này trước khi áp dụng.
Ông Trần Xoa lo ngại NĐ 126 có hiệu lực từ ngày 5.12 nên chưa rõ cơ quan thuế có áp dụng quy định này cho toàn bộ năm 2020 hay không. Ngày 30.10 DN đã nộp xong thuế 3 quý đầu năm 2020, lúc này nghị định chưa có hiệu lực thi hành, nếu tính tiền chậm nộp năm 2020 là đã hồi tố không đúng pháp luật. Trường hợp áp dụng quy định này, DN rất dễ bị tính tiền chậm nộp bởi các quý 1, 2, 3 gần như hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng trong mùa dịch Covid-19 dẫn đến thu nhập thấp hoặc âm mà quý 4 tăng vọt sẽ bị tính tiền chậm nộp ngay. Theo ông Trần Xoa, DN nộp thuế theo thu nhập phát sinh thực tế chứ không nên đưa điều khoản áp dụng tỷ lệ 75% trong 3 quý đầu năm để tính tiền chậm nộp của DN.
Trước khi NĐ 126 ban hành, dự thảo lấy ý kiến chỉ đề cập: “Trường hợp người nộp thuế không thuộc diện lập báo cáo tài chính quý căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh quý, người nộp thuế tự xác định số thuế TNDN tạm nộp theo quý và nộp tiền vào ngân sách nhà nước nhưng phải đảm bảo số tiền tạm nộp mỗi quý không thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm chia đều cho 4 quý từ 80% trở lên, trường hợp thấp hơn thì người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch thấp hơn đó”.
|
Bình luận (0)