Dự thảo phân loại phim để phổ biến theo độ tuổi quy định cảnh nóng và hình khỏa thân trong phim không được kéo dài quá 5 giây và thể hiện không quá 3 lần trong phim 18+. Đấy là cách người quản lý đóng vai người xem thay họ.
Dự thảo phân loại phim để phổ biến theo độ tuổi quy định cảnh nóng và hình khỏa thân trong phim không được kéo dài quá 5 giây và thể hiện không quá 3 lần trong phim 18+. Đấy là cách người quản lý đóng vai người xem thay họ.
Trong khi, ở tuổi đã có quyền công dân đó, người xem phim cũng có đủ quyền quan hệ tình dục và đủ thứ quyền khác theo pháp luật quy định. Đủ quyền quan hệ tình dục và xem cảnh nóng như chính những thành viên hội đồng duyệt. Họ phạm tội thì họ bị pháp luật xử rồi. Vì thế, nên đặt ra quy định theo hướng đã 18 tuổi thì không hạn chế cái gì.
Cũng phải thấy một thực tế là tất cả những quy định 5 giây, 3 lần 5 giây đó chỉ có ý nghĩa với phim VN thôi. Nó sẽ hạn chế sáng tạo của phim VN trong khi phim nước ngoài thì không hề hấn gì. Nhà quản lý có thể yêu cầu cắt với phim nhập về nhưng mọi thứ trên mạng thì đâu thể cắt và người xem sẽ vẫn xem thoải mái. Tại sao mình không nhìn cái thực tế đó để thấy rõ ràng hơn, đằng nào nếu khán giả muốn xem thì họ vẫn xem được bản có cảnh nóng đầy đủ. Nó không có tác động gì cả. Thành ra, quy định như vậy sẽ chỉ trói chính người làm phim Việt, trói phim Việt.
Chưa kể, công chúng cũng là những công dân toàn cầu. Người trẻ ở VN giờ đã du học từ rất sớm. Làm sao có thể trở thành công dân toàn cầu nếu không được chuẩn bị đầy đủ tâm thế, cứ sống trong khoanh vùng.
Không thể máy móc quy định mỗi cảnh nóng chỉ được bao nhiêu giây. Làm sao có thể nói được độ gợi cảm, sức nóng của ảnh chỉ bằng thời gian. Với người làm phim, sáng tạo cảnh nóng cho đủ nóng thì thôi chứ làm sao phim về chuyện đó lại bắt người ta cứ 5 giây phải tạm dừng hoặc cắt. Quy định kiểu này sẽ dồn người sáng tạo vào thế đi đối phó, điều không nên trong sáng tạo. Với cảnh nóng, nếu thấy cần thiết thì hãy để cho người ta làm, để người ta có sự tự do như vậy. Không nên can thiệp quá.
Quy định như thế cũng có điểm hở. Nếu 5 giây đó là 5 giây rất khủng khiếp chẳng hạn thì nó còn ấn tượng hơn là 15 phút. Có định lượng nào cho sức nóng của việc đó đâu. Thời gian không phải là định lượng. Quy định như vậy là coi thường sức tải của nghệ thuật. Mình phải quy định dựa trên tôn trọng sự trưởng thành của người xem.
Ở VN, tỷ lệ dùng internet ngày càng cao. Trong khi đó, thực ra tất cả những cái gì sốc nhất trên mạng đều có cả. Nên khi duyệt phim, chỉ nên hạn chế những chủ đề như phân biệt chủng tộc hay các chủ đề cấm kỵ như phản quốc hay kêu gọi hằn thù thôi. Còn vấn đề khác thì sau 18 tuổi nên để người ta tự quyết định. Dưới 18 tuổi mới cần quy định hạn chế, vì về sinh học cũng như tâm lý họ chưa thực sự trưởng thành.
Việc quản lý điện ảnh nên theo hướng giáo dục để nếu cái gì không tốt thì người ta sẽ tự lọc. Cái đó là cái mà hầu như các nước văn minh đều tự làm. Quy định quản lý phải thông thoáng, trước hết là cho người làm phim VN. Chuyện ngăn cản không phải chuyện hay trong thời hiện đại. Mình phải xây dựng được những người biết xem phim, đủ văn minh để biết cái gì tốt cái gì không tốt. Và cái đó chỉ có thể xây được khi từ nhỏ người ta được giáo dục rất phóng khoáng nhưng cũng rất bài bản để không tò mò về những chuyện đó nữa. Chẳng hạn, ở Thụy Sĩ, Bi đừng sợ được chọn chiếu cho học sinh 14 - 16 tuổi. Giáo viên nói họ chọn vì đó là phim về gia đình, các em có quyền biết sớm. Đó cũng là tuổi bước vào trưởng thành, các em nên biết những vấn đề có thể xảy ra trong gia đình. Học sinh thảo luận thoải mái tự do. Nếu có những thảo luận công khai, chiếu chính thức do nhà trường tổ chức như vậy thì tất cả tiếp nhận của học sinh sẽ có độ văn minh, độ đàng hoàng, tự do của nó. Như thế, khi 18 tuổi thì họ sẽ biết mình cần cái gì.
Bình luận (0)