Cùng với lượng tiêu thụ xe ô tô ngày càng gia tăng, hệ thống đường cao tốc tại Việt Nam đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, rút ngắn thời gian di chuyển cũng như gia tăng kết nối giữa các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, với mạng lưới đường cao tốc chưa thật sự phổ biến, hoàn thiện và nhiều tuyến đường cao tốc mới đi vào hoạt động… nhiều lái xe tại Việt Nam vẫn chưa nắm rõ quy định về an toàn giao thông khi lái xe trên cao tốc.
Chính điều này đã dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng cũng như tài sản. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra tại Km 48+200 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn (đoạn qua huyện Phong Điền) vào ngày 18.2 mới đây khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc tài xế điều khiển xe ô tô không tuân thủ quy định về an toàn giao thông trên đường cao tốc.
Thực tế, với nhiều lái xe ô tô tại Việt Nam, đặc biệt là những người lần đầu sở hữu ô tô và chưa có nhiều kinh nghiệm lái xe, khái niệm cao tốc vẫn còn khá mơ hồ. Thậm chí, một số lái xe còn không nắm rõ quy định về an toàn giao thông khi lái xe trên đường cao tốc.
Luật giao thông tại Việt Nam quy định rõ, người lái xe trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định còn phải thực hiện các quy định sau đây:
Đầu tiên, khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc.
Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc. Đặc biệt, không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
Các tuyến đường cao tốc hiện nay đều quy định tốc độ tối thiểu và tối đa tùy từng đoạn hoặc toàn tuyến đường cao tốc. Trong đó, đa số đều quy định tốc độ tối thiểu là 60 km/giờ và tốc độ tối đa 120 km/giờ. Một số tuyến cao tốc hiện nay như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Lào Cai - Kim Thành quy định tốc độ tối đa 90 km/giờ.
Ngoài ra, người lái xe, người điều khiển ô tô phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu. Tài xế có kinh nghiệm và thường xuyên lái xe trên đường cao tốc chia sẻ, nếu lái xe với tốc độ 60 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước khoảng 35 mét. Từ 60 - 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu khoảng 55 mét. Tốc độ 80 đến dưới 100 km/giờ, cần giữ khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 mét và từ 100 đến dưới 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước khoảng 100 mét. Tuy nhiên, lái xe trên cao tốc khi trời mưa, đường trơn trượt hay thời tiết sương mù… nên tạo khoảng cách với xe phía trước lớn hơn khoảng cách an toàn tối thiểu.
Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Để góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình cũng như những phương tiện cùng tham gia giao thông, tránh các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa qua… các lái xe tại Việt Nam cần nắm rõ quy định về an toàn giao thông trên đường cao tốc.
Bình luận (0)