Bỏ lại quá khứ
Anh Lý Sơn (ngụ xã Suối Cao, H. Xuân Lộc, Đồng Nai) từng có một thời ngang dọc tại bến phà Thủ Thiêm (TP.HCM). Hàng ngày, ngoài việc đi đánh giày, bán báo dạo, bốc vác; nhóm của Sơn còn đi đòi nợ thuê, móc túi… để kiếm thêm tiền tiêu xài. Năm 1986, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, Sơn đánh gây thương tích nặng chủ tiệm bán cơm ngay tại bến phà. Hậu quả, Sơn bị kết án 5 năm tù giam. Năm 1991, khi nhận quyết định ra tù, anh Sơn về Xuân Lộc lập nghiệp. Tại đây, anh Sơn quen và lấy chị Trần Thị Huệ (quê Nghệ An), làm thuê với anh trong một xưởng cưa gỗ. Biết anh đã từng có một quãng quá khứ lầm lỗi, nhưng chị Huệ vẫn chấp nhận cùng anh làm lại cuộc đời.
|
|
Năm 2009, cán bộ công nhân viên trường Mẫu giáo Suối Cao xây tặng vợ chồng anh căn nhà tình thương. Năm 2010, Quỹ “Doanh nhân với ANTT” hỗ trợ gia đình anh 20 triệu đồng. Vợ chồng anh đã mua 2 con bò giống với giá 17 triệu đồng và làm chuồng trại. Qua hơn 2 năm chăn thả, đến nay 2 con bò giống ngày nào đã thành đàn bò 7 con.
Hiện tại, vợ chồng anh Sơn đã sở hữu hơn 1 ha đất rẫy trồng điều, xoài và hoa màu. Anh chị có được 3 đứa con (một trai, hai gái), tất cả đều được đi học. Anh Sơn tâm sự: “Cuộc đời tôi đã lỡ phạm phải sai lầm nên tôi cố gắng sửa sai bằng cách cật lực làm việc, nuôi dạy con cái biết điều hay lẽ phải”. Một lãnh đạo công an xã Suối Cao (H. Xuân Lộc) cho biết: “Ngoài công tác quản lý những người tha tù trở về địa phương, công an xã còn tích cực tham mưu chính quyền vận động các tổ chức xã hội khác tạo điều kiện việc làm, hỗ trợ vốn cho những người hoàn lương sản xuất - kinh doanh. Qua công tác xét duyệt, đã có 7/45 trường hợp được nhận vốn hỗ trợ từ Quỹ Doanh nhân với ANTT. Với nguồn vốn này, những người hoàn lương đều đầu tư đúng mục đích và có hiệu quả".
Sáng kiến Quỹ doanh nhân với ANTT
Đồng Nai hiện có gần 4.000 người được tha tù về sống tại địa phương. Trong số đó, không ít trường hợp có cuộc sống hết sức khó khăn do gia đình ly tán, kinh tế gia đình kiệt quệ do mất đi người lao động chính, trụ cột của gia đình do những tháng năm dài bị cách ly với cuộc sống bên ngoài để lao động, cải tạo, trả giá cho những hành vi nguy hiểm mà bản thân họ đã gây ra cho xã hội.
Để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên, Công an tỉnh Đồng Nai đã vận động thành lập Quỹ Doanh nhân với ANTT để triển khai các hoạt động cho vay vốn sản xuất đối với những người được tha tù, đặc xá…Ngày 18.10.2010, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định cấp phép thành lập và công nhận điều lệ Quỹ doanh nhân với ANTT. Sự ra đời của quỹ cũng là bước khởi đầu có ý nghĩa, kêu gọi các doanh nhân, những người hảo tâm chung tay đóng góp, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh nêu trên vay vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống gia đình, để xã hội bớt đi một nỗi lo về nguy cơ phát sinh tội phạm.
|
Trong hơn 2 năm (từ 2010 đến 2012) các doanh nghiệp, doanh nhân đã ủng hộ khoảng 7 tỉ đồng. Đến nay, quỹ đã giải quyết cho 200 trường hợp mãn hạn tù vay với số tiền gần 3 tỉ đồng. Trung bình, mỗi người được vay từ 10-20 triệu đồng, với lãi suất 0,3%/tháng (thời hạn vay trong 2 năm) để buôn bán tạp hoá, mua ngư cụ đánh bắt cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Từ nguồn vốn này, nhiều trường hợp đã thoát được khỏi cảnh đói nghèo như trường hợp Lý Sơn nêu trên. Một trường hợp khác đó là đình anh Vũ Ngọc Cường (ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh). Vừa mãn hạn tù, gia đình khó khăn, rơi vào bế tắt, được vay 20 triệu đồng từ Quỹ doanh nhân với ANTT, anh Cường quyết tâm tạo dựng lại cơ nghiệp bằng nghề nuôi dê. Lứa đầu tiên, anh đã bán có lời và đầu tư nuôi tiếp một bầy dê gần 20 con. Anh Đoàn Hoài Đương (ngụ xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh), sau khi được vay vốn được 15 triệu đồng, anh đã mua 3 con heo giống và đã phát triển đàn heo lên gần 20 con. Thấy được hiệu quả bước đầu, gia đình bên vợ đã tạo điều kiện xây dựng chuồng trại để anh có chỗ chăn nuôi quy mô lớn hơn…
Anh Thư
>> Trao vốn cho người hoàn lương
>> Khát vọng hoàn lương
>> Thắp sáng ước mơ hoàn lương
>> Tình nguyện giúp thanh niên hoàn lương
>> Giúp người hoàn lương
Bình luận (0)