Quỹ do ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) sáng lập, với nguồn vốn 1 tỉ đồng hỗ trợ ban đầu cho Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân và Đoàn Thanh niên H.Thủ Thừa.
Nguồn vốn này xoay vòng và được chính quyền tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật vườn - ao - chuồng… cho các hộ nhằm phát triển kinh tế gia đình để vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
|
Đồng hành với nhà nông
Chị Nguyễn Thị Dạ Thảo, Chủ tịch Hội phụ nữ H.Thủ Thừa, cho biết: “Hiện chính quyền địa phương đang thúc đẩy các chính sách ưu tiên để nhân rộng mô hình này đến gần 100 hộ dân để người dân có nguồn vốn chăn nuôi từ đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Sau khi cho hàng chục hộ dân vay vốn, nguồn vốn đã thực sự giúp cho các hộ gia đình, đoàn viên có điều kiện chăn nuôi hiệu quả và con cái được học hành. Một số người sau khi đã ổn định được cuộc sống khấm khá, số vốn họ vay ban đầu đã được chuyển cho các hộ khác, cứ xoay vòng như vậy nên ai cũng được hỗ trợ hết”
Theo báo cáo của các đoàn thể tại H.Thủ Thừa, Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương qua 8 năm hoạt động đã thực sự đem lại hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, cải thiện được đời sống cho nhiều gia đình.
Quyết tâm thoát nghèo bền vững
Chị Lê Thị Hằng, Hội Phụ nữ xã Mỹ Thạnh, là nhân viên y tế tại một trường tiểu học ở H.Thủ Thừa. Với mức thu nhập của chị, cộng với lương công nhân của chồng, gia đình chị gặp khó khăn để nuôi dạy 2 đứa con đang tuổi ăn học. Gia đình chị lại không có đất canh tác, phải thuê đất ruộng.
Chị Hằng cho biết nếu chỉ làm lúa thì hoa lợi không bao nhiêu, hơn nữa phải trả tiền thuê đất hàng năm. Vì vậy vợ chồng chị bàn với nhau xen canh lúa và rau màu. Được Hội Phụ nữ xã Mỹ Thạnh giới thiệu, chị vay 10 triệu đồng từ Quỹ David Dương để đầu tư hệ thống tưới tiêu, cây giống trồng xen canh dưa leo, bầu, bí đao… mỗi năm 3 vụ.
|
Hội nông dân đã tổ chức các tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật canh tác rau an toàn, những vụ rau của gia đình chị Hằng được bội thu. Sau khi thu hoạch, để giảm các khâu trung gian, chị tự vận chuyển đến chợ đầu mối hoặc trực tiếp cho các siêu thị nhỏ ở TP.HCM. Thu nhập từ mô hình trồng rau đem lại lợi nhuận cho gia đình chị mỗi năm khoảng 60 - 70 triệu đồng.
Chị Phạm Thị Xum (ngụ tại ấp 4, xã Mỹ Thạnh, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) cũng là thành viên Hội phụ nữ xã Mỹ Thạnh là nhân viên tạp vụ. Ngoài giờ làm việc tại UBND xã, chị có nuôi thêm 1 con bò. Việc chăm sóc bò cũng đơn giản, chỉ cắt cỏ và không tốn nhiều chi phí như nuôi heo, gà… Gia đình khó khăn và được Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương cho vay 10 triệu đồng. Với số tiền này chị đầu tư mua thêm một con bò cái và sau hơn 1 năm thì bò đẻ.
“Nuôi con bò con này trong khoảng 1 năm và bán được 10 triệu và đủ hoàn vốn lại cho Quỹ. Từ một con bò ban đầu, đến nay gia đình tôi có được 3 con, nếu bán cũng được cũng kha khá”, chị Xum khoe.
|
Nói về mục đích của quỹ, ông David Dương chia sẻ: “Chúng tôi luôn đồng hành, chia sẻ, giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Thay vì tặng 'con cá', chúng tôi tin là giúp bà con có cái 'cần câu' sẽ hợp lý hơn nhiều. Chúng tôi cũng ưu tiên cho những bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp bằng chính bàn tay, sức lực và tri thức của mình. Không có niềm vui nào hơn khi đồng vốn được quay vòng, mỗi năm có thêm những gia đình thoát nghèo, con cái được an tâm đến trường”.
Bình luận (0)