Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre: 10 năm phát triển

28/04/2023 15:48 GMT+7

Sau 10 năm thành lập, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ cho hơn 125.600 lượt khách hàng (hơn 90% là phụ nữ) với số tiền giải ngân lên đến 1.194 tỉ đồng. Nhờ nguồn vốn này, thu nhập người dân được cải thiện, mỗi năm giúp trên 300 hộ thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, trao bằng khen của UBND tỉnh cho nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, trao bằng khen của UBND tỉnh cho nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Hình thành của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Từ năm 2007, Hội LHPN tỉnh Bến Tre (Hội) đã được tổ chức Terdeshommes Thụy Sĩ đầu tư dự án "Cải thiện tình trạng và vị thế của phụ nữ nghèo thông qua hoạt động của tổ chức tài chính vi mô nhỏ bền vững". Dự án được triển khai tại các xã Lương Hòa (H.Giồng Trôm); An Ngãi Tây, Tân Thủy (H.Ba Tri), sau đó mở rộng thêm các xã An Ngãi Trung (Ba Tri), Lương Qưới và Phong Mỹ (Giồng Trôm).

Năm 2008, Hội tiếp tục được Hội LHPN Việt Nam chọn đầu tư dự án "Nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nghèo thông qua hoạt động tài chính vi mô" do Quỹ Unilever - VN đầu tư; triển khai tại TT.Giồng Trôm và xã Hưng Nhượng, sau đó mở rộng sang các xã Bình Thành, Châu Bình, Long Mỹ và Hưng Lễ.

Năm 2012, Hội được Ban quản lý dự án IFAD tỉnh Bến Tre chọn làm đối tác để triển khai hợp phần tín dụng nông thôn cho người nghèo của dự án "Phát triển nông thôn với người nghèo" (gọi tắt là DBRP), nguồn vốn triển khai tại 50 xã thuộc 8 huyện: Châu Thành, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Chợ Lách.

Vào ngày 28.6.2013, Hội LHPN tỉnh Bến Tre đã được UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định số 1100-QĐ-UBND về việc cấp phép hoạt động và công nhận điều lệ Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (PTKT) trực thuộc Hội, nguồn vốn hoạt động trên cơ sở hợp nhất từ 3 nguồn: Tổ chức TDH Thụy Sĩ, Quỹ Unilever - VN, Dự án IFAD tỉnh Bến Tre. Đồng thời UBND tỉnh đã có quyết định số 1101- QĐ-UBND về việc công nhận Hội đồng quản lý Quỹ để lãnh đạo, định hướng cho hoạt động đúng chiến lược, kế hoạch, mục tiêu đề ra là Quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích hướng tới bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ hỗ trợ vốn và hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp cho tất cả những hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của tỉnh, và nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Cuối năm 2014, Quỹ tiếp tục được tiếp cận với hợp phần tín dụng nông thôn của dự án "Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" (gọi tắt là AMD), với vốn vay thông qua Bộ Tài chính tương đương 34 tỉ đồng, triển khai ở 30 xã vùng dự án tại 8 huyện, trong đó có 20 xã trùng với dự án DBRP và 10 xã mới.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tặng hoa cho ban lãnh đạo Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre trong một sự kiện

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tặng hoa cho ban lãnh đạo Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre trong một sự kiện

Tổ chức đồng hành tin cậy của phụ nữ tỉnh Bến Tre

Xác định công tác giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, phụ nữ PTKT, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua Hội LHPN tỉnh Bến Tre và các cấp Hội tại cơ sở đã triển khai đa dạng nhiều hình thức giúp phụ nữ PTKT, giảm nghèo, ngăn chặn tái nghèo mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó điển hình là công tác hỗ trợ vốn vay tín dụng qua Quỹ hỗ trợ phụ nữ PTKT tỉnh Bến Tre. Quỹ được vận hành theo mô hình tài chính vi mô, cung cấp các khoản vay nhỏ, phù hợp các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu, sứ mệnh đề ra, từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã duy trì và phát triển tốt tại 157 xã, phường, thị trấn; thành lập 8 phòng giao dịch tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre cấp 5 giấy chứng nhận chương trình Tài chính vi mô theo Quyết định 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho hơn 125.600 lượt khách hàng vay vốn với số tiền giải ngân lên đến 1.194 tỉ đồng. Số cụm và nhóm mới vẫn tăng đều qua các năm. Tính đến tháng 3.2023, Quỹ đã thành lập được 1.397 cụm và 6.092 nhóm bảo lãnh có khách hàng vay vốn thường xuyên; hỗ trợ hơn 19.500 khách hàng vay vốn với dư nợ cho vay đạt 167 tỉ đồng, số dư tiền tiết kiệm các khách hàng gửi vào Quỹ đạt 49 tỉ đồng. Từ kết quả trên cho thấy, với phương thức và thủ tục vay vốn đơn giản hiệu quả, hình thức vay tín chấp theo nhóm bảo lãnh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận vốn lâu dài để đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình kinh tế của phụ nữ được hưởng ưu đãi từ nguồn vốn của Quỹ Ảnh: Hồ Bích Hạnh

Mô hình kinh tế của phụ nữ được hưởng ưu đãi từ nguồn vốn của Quỹ

Ảnh: Hồ Bích Hạnh

Trong thời gian qua, hoạt động của Quỹ gặp không ít trở ngại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Quỹ đã cố gắng khắc phục vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động hỗ trợ vốn vay đến nhóm đối tượng của Quỹ, đặc biệt là hỗ trợ thành viên khôi phục sản xuất sau đại dịch, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vay "tín dụng đen", chơi hụi, hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo tăng thu nhập, ổn định đời sống qua đó nâng cao vị thế người phụ nữ; đồng thời góp phần cùng địa phương thực hiện chủ trương kéo giảm hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đối tượng hộ nghèo, cận nghèo có sổ vay vốn tại Quỹ bình quân hằng năm luôn đạt hơn 4.000 hộ. Qua nhiều năm vay vốn, thu nhập người dân có cải thiện, mỗi năm giúp trên 300 khách hàng thoát nghèo hoặc chuyển loại hộ từ nghèo sang cận nghèo, trong đó khoảng 50% hộ do phụ nữ làm chủ.

Ngoài ra, với hơn 90% khách hàng là nữ thì nguồn vốn này đã giúp nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội thông qua việc phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời thông qua các buổi họp cụm vay vốn, Quỹ đã giúp các chị em tiếp cận nhiều kiến thức trong việc xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"; biết tính toán lập được kế hoạch sản xuất kinh doanh trước khi đầu tư vốn để sử dụng vốn có hiệu quả. Nhiều chị đã chủ động vươn lên, từ làm thuê trở thành làm chủ, tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.