'Quy hoạch 450 km mà 5 - 6 cái sân bay quốc tế thì không được'

06/01/2023 11:59 GMT+7

Đồng tình Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc khó, chưa có tiền lệ, song các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhiều băn khoăn với các định hướng quy hoạch được Chính phủ trình ra.

Sáng 6.1, tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu Trần Công Phàn

Gia hân

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương), Phó chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đặt mục tiêu làm sao phát huy được ưu thế của đất nước, địa phương để xây dựng quy hoạch, nếu không sẽ không đạt mục tiêu.

Ông Phàn nêu ví dụ, hiện nay tỉnh nào cũng có sân bay, có cảng, khu công nghiệp mà không dựa trên nguyên tắc nào.

“Người ta nói sân bay quốc tế thì ít nhất phải cách nhau 500 km. Chúng ta có khoảng 450 km nhưng 5 - 6 cái sân bay quốc tế. Đầu tư dàn trải như vậy thì không được”, ông Phàn nhận định.

Ngược lại, theo ông Phàn, Việt Nam có lợi thế về đường biển và kinh tế biển cũng được xác định là mũi nhọn, song có những cảng biển có nhiều lợi thế như Vân Phong (Khánh Hòa) xây dựng 1 năm xong thì bỏ.

“Nếu đi vào nghiên cứu đầu tư thì chỉ một cảng Vân Phong có thể nuôi cả đất nước. Vì đây là vùng biển rất sâu, xung quanh núi bao bọc, tàu vào không phải neo, tất cả tàu đi qua Biển Đông đều đi qua đó. Nếu đầu tư vào đó rất tốt”, ông Phàn nói, và nhấn mạnh quan điểm việc xây dựng quy hoạch phải dựa trên thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo sự phát triển chung cho đất nước.

Singapore chỉ bằng Phú Quốc nhưng sân bay của họ đi khắp cả thế giới”, ông Phàn nêu.

ĐBQH Trần Công Phàn: 'Quy hoạch 450 km mà 5 - 6 cái sân bay quốc tế thì không được'

"Xem Quy hoạch tổng thể quốc gia thấy rất thất vọng"

Trong khi đó, thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang), Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng, cũng cho rằng, việc quy hoạch đặt mục tiêu đến 2030 nâng cấp, mở mới 63 cửa khẩu, trong đó mở mới, nâng cấp cửa khẩu đất liền là 20 cửa khẩu rất khó khả thi.

Ông Chiến cho biết, hiện nay chúng ta có 168 cửa khẩu các loại, gồm đất liền, biển, hàng không. Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng quản lý 154 cửa khẩu và một số do Bộ Công an quản lý.

Theo ông Chiến, quy trình mở mới, nâng cấp cửa khẩu rất phức tạp, đạt được sự đồng thuận của hai nhà nước đòi hỏi quy trình rất mất thời gian. Thông thường cái nào nhanh 2 năm, có những cái 4 - 5 năm chưa xong, bởi phải có sự đồng thuận của chính phủ, chính quyền hai bên.

Bên cạnh đó, hai nước phải đạt được những thống nhất về lượng người, hàng hóa, phương tiện, liên quan đến quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh, hai nước.

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) thì đề nghị nghiên cứu lại việc phân vùng và liên kết vùng, vì phân vùng nhưng cuối cùng nguồn lực thực hiện, đầu mối đều ở Chính phủ điều hành.

Ông Sơn cũng cho rằng, về định hướng đầu tư phát triển hạ tầng cho ĐBSCL còn rất khiêm tốn.

“Rất khó cho ĐBSCL có động lực phát triển, bởi đây là vùng nông nghiệp, nông nghiệp càng làm càng nghèo”, ông Sơn nói.

Đại biểu đoàn An Giang đề nghị các công trình trọng điểm về hạ tầng cần quan tâm cho ĐBSCL và Tây Bắc.

"Xem Quy hoạch tổng thể quốc gia thấy rất thất vọng, chắc kỳ này thông qua làm cơ sở cho luật khác thôi. Chúng tôi mới nghiên cứu 1 - 2 nội dung nhưng rất băn khoăn, day dứt”, ông Sơn chốt lại ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.