Quy hoạch bến xe Hà Nội: Bộ GTVT lắc đầu, chuyên gia phản đối

10/11/2018 09:59 GMT+7

Bộ GTVT vừa khuyến cáo Hà Nội không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài như bến xe Yên Sở, đặc biệt không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4.

Quy hoạch bến xe của thành phố Hà Nội tiếp tục gây nhiều tranh cãi khi các chuyên gia, hiệp hội vận tải cho rằng, việc di chuyển các bến xe hiện có ra khỏi vành đai 4, trong khi xây dựng cấp tập bến xe Yên Sở trong khu vực vành đai 3 là không phù hợp.
Không nên xây bến xe Yên Sở
Góp ý về đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, Bộ GTVT cho rằng, Hà Nội không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài, chỉ khai thác trong thời gian quá độ (như bến xe Yên Sở được nêu trong quy hoạch) để tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của thành phố.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng góp ý cho rằng, bến xe Yên Sở cách ngã ba Pháp Vân gần 2 km, nằm cạnh đường gom của đường Vành đai 3, cạnh Công viên Yên Sở, khu vực này có nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở giáo dục, mầm non. Trong phạm vi các quận nội thành Hà Nội nếu xây dựng một bến xe hỗn hợp như vậy không đảm bảo trật tự, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Hơn nữa, tại khu vực phía nam Hà Nội chưa có bến xe tải nào, vì vậy bến xe Yên Sở chỉ nên quy hoạch xây dựng bến xe tải.
Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông, cũng bày tỏ sự không đồng tình với việc di dời các bến xe trung tâm ra vành đai 4 cũng như xây dựng bến xe Yên Sở trên đường vành đai 3. “Việc Hà Nội định xây dựng cấp tập bến xe Yên Sở không phù hợp với quy hoạch, chưa kể còn nhiều vấn đề gây tranh cãi như không đấu thầu”, ông Liên cho biết.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo ông Lê Văn Đông, Giám đốc Công ty vận tải Đông Lý (tuyến Nông Cống - Thanh Hóa - Hà Nội), sau khi di chuyển nhiều lốt xe tại bến Mỹ Đình ra bến Giáp Bát và Nước Ngầm, nhiều doanh nghiệp xe khách đã lao đao. “Nếu xây bến Yên Sở chỉ hoạt động tạm trong thời gian ngắn, doanh nghiệp vừa hoạt động chưa kịp ổn định lại tiếp tục chuyển ra vành đai 4 (bến xe Thanh Trì theo quy hoạch), hoạt động doanh nghiệp càng thiếu ổn định, nguy cơ phá sản”, ông Đông nói.
Quy hoạch nào phù hợp?
Theo ông Võ Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nếu di chuyển các bến xe ra vành đai 4, tính kết nối giữa vận tải đường dài và vận tải trong đô thị sẽ càng khó khăn, phát sinh thêm những chuyến đi trong thành phố như xe taxi, xe máy, làm tăng lưu lượng chuyến đi, tăng thêm nguy cơ ùn tắc.
“Diện tích đất dành cho giao thông tại các đô thị lớn rất thấp, khoảng 6 - 7%, nếu di chuyển các bến xe ra bên ngoài, rồi lại sử dụng mảnh đất này vào các mục đích khác như xây dựng trung tâm thương mại, công trình không phải giao thông càng làm giảm diện tích chung cho hạ tầng giao thông”, ông Quyền nhìn nhận.
Cũng theo ông Quyền, nếu sau này Hà Nội phát triển đường sắt đô thị, các hình thức công cộng khác sẽ kết nối khó khăn, làm giảm sự tiện lợi của hành khách. Các nước phát triển như châu Âu, Nhật Bản vẫn để bến xe ở các thành phố lớn. Như Tokyo (Nhật Bản), bến xe ngay trên tầng 3, 4 của nhà ga trung tâm, tạo thuận lợi cho hành khách. Chuyên gia này cho rằng, Hà Nội cần tính toán lại quy hoạch bến xe, không di dời toàn bộ mà nâng cấp và phát triển một số bến xe hiện hữu có tính kết nối cao trong thời gian tới.
Trong góp ý quy hoạch cho Hà Nội, Bộ GTVT cũng cho rằng, Hà Nội không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4 mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm, như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... đã thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Song song với quy hoạch các bến xe liên tỉnh vành đai 4, Hà Nội cần quy hoạch giữ ổn định các bến xe liên tỉnh hiện có nằm từ vành đai 3 trở ra (bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm...), đồng thời nâng cấp hiện đại hóa các bến xe này như áp dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, điều hành bến, tổ chức hiệu quả việc phân luồng giao thông, xem xét nâng cấp thành bến xe nhiều tầng... đảm bảo phục vụ phù hợp nhu cầu đi lại của nhân dân.
Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội dự kiến quy hoạch 7 bến xe liên tỉnh gồm bến xe khách phía Bắc (ở Nội Bài), bến xe Đông Anh, bến xe Cổ Bi, bến xe phía Nam (tại huyện Thường Tín), bến xe Yên Nghĩa, bến xe phía Tây, bến xe Tây Bắc (Phùng). Ngoài ra, trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến xe quy hoạch mới, Hà Nội dự kiến xây bến xe Yên Sở tại vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai với diện tích 3,2 ha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.