Quy hoạch điện 8: Đẩy mạnh cắt giảm điện than

05/05/2023 10:09 GMT+7

Thông tin từ Bộ Công thương, ngày 4.5, cơ quan này đã tổ chức Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) với sự tham gia của hơn 60 đại biểu trong và ngoài nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan lập Quy hoạch điện 8. Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo và nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương phê duyệt Quy hoạch điện 8. Được xem là một quy hoạch ngành rất quan trọng, đặc biệt, sau khi Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) và tham gia Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), việc hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện 8 càng trở nên thách thức nhiều hơn.

Quy hoạch điện 8: Đẩy mạnh cắt giảm điện than  - Ảnh 1.

Quy hoạch điện 8 tập trung gia tăng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời...

TN 

Về cơ cấu nguồn điện, theo Bộ Công thương, quy hoạch đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện là 158,244 MW (không bao gồm xuất khẩu). Trong đó, thủy điện chiếm 18,5%, nhiệt điện than 19%, nhiệt điện khí trong nước 9,4%, nhiệt điện 14,2%, nhiệt điện gió trên bờ 13,8%, điện mặt trời 13% (được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất)…

Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490,005 - 573.000 MW, thủy điện chiếm 6,3 - 7,3%, không còn sử dụng than để phát điện, nhiệt điện sử dụng sinh khối 4,5 - 6,6%, điện gió ngoài khơi 14,3 - 16%...

Như vậy, Quy hoạch điện 8 đã có lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, đưa mục tiêu phát triển trong vòng 20 năm (từ 2030 - 2050) xóa bỏ hoàn toàn điện than để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đặc biệt, từ nay đến 2030, điện mặt trời được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất...

Tại hội nghị tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, Bộ Công thương cũng đề xuất một số giải pháp thực hiện quy hoạch liên quan đến đảm bảo an ninh cung cấp điện; pháp luật và chính sách; bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai; khoa học và công nghệ; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; hợp tác quốc tế; tăng cường năng lượng trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện; giá điện; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch…

Các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao tư duy đổi mới trong Quy hoạch điện 8 về phát triển các dự án năng lượng tái tạo, ưu tiên sử dụng tại chỗ để giảm áp lực lên hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, một số ý kiến lưu ý quy hoạch cần tập trung thúc đẩy các dự án chậm tiến độ nhiều năm, sớm thực hiện quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi mà Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn so với các nước trong khu vực.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng khẳng định sẽ hoàn thiện nội dung Quy hoạch điện 8 theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch, tập trung gia tăng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời và sinh khối…. giảm phát thải khí nhà kính. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.