Quy hoạch điện 8 mới nhất: Năm 2045 điện sạch sẽ hơn 50%

16/04/2022 06:24 GMT+7

Hôm qua (15.4), Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8).

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, so với các phương án đã trình trước đây, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen.

Điện sạch lên ngôi là cam kết rõ ràng của Chính phủ

Ngọc Thắng

Đặc biệt, cơ cấu nguồn điện và phân bổ không gian phát triển có nhiều thay đổi so với trước đây. Hệ số dự phòng trước đây là 1,93 thì bây giờ là 1,54, qua đó, sẽ tiết giảm vốn đầu tư xã hội. Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn, tiết kiệm đầu tư đường dây khoảng 13 tỉ USD.

Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án đã trình tháng 3.2021.

Một số địa phương miền Trung cho rằng, khu vực này có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời nhưng nhu cầu tiêu thụ điện của khu vực lại thấp. Do đó, khi căn cứ vào phụ tải thì khu vực được bố trí nguồn điện thấp. “Nên quy hoạch nguồn điện theo địa bàn tỉnh chứ không chỉ theo vùng”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm góp ý.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cũng cho rằng cần quy hoạch chi tiết, phân bổ nguồn điện đến cấp tỉnh và nên hạn chế phát triển thủy điện ở miền Trung. Đối với Bình Định, có tiềm năng điện gió, ông bày tỏ mong muốn thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ để xây dựng các trang trại điện gió quy mô lớn ngoài khơi.

Dù vậy, Thứ trưởng An cho biết, chỉ đạo của Phó thủ tướng về cân đối vùng miền là rất quan trọng và “việc truyền tải điện đi xa là chuyện cực chẳng đã”. Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, trong quy hoạch, dự phòng nguồn điện cho khu vực miền Trung vẫn để ở mức lớn nhất với các lý do: lợi thế phát triển điện trong khu vực rất tốt (gồm điện gió, điện mặt trời) và các địa phương trong khu vực còn khó khăn nên cần ưu tiên.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng nhận xét, bản Quy hoạch mới nhất đã khắc phục được một số tồn tại của quy hoạch và dự thảo trước; phương án tính toán đã tối ưu. Như việc tổng công suất nguồn đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với dự thảo trình tháng 3.2021; giảm quy mô đầu tư gần 2 triệu tỉ đồng, trong đó giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỉ đồng. Nguồn điện được bố trí hài hòa, đảm bảo phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn. Quy hoạch cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến dựa trên nguyên tắc chung, hoàn thiện dự thảo để thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, trước khi trình Thủ tướng để xem xét, phê duyệt trong tháng 4.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.