Quy hoạch không theo kịp phát triển, Bình Chánh "kẹt" đất ở cho người dân

13/10/2020 10:14 GMT+7

Sáng 13.10, báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm “Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới”.

Tại tọa đàm sáng 13.10, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý đất đai xây dựng có nhiều vấn đề. Đặc biệt, quá trình triển khai Quyết định 60 của thành phố, có rất nhiều vướng mắc về diện tích tối thiểu, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật... khi người dân có nhu cầu tách thửa. Chẳng hạn, đất nông nghiệp chỉ quy định đất tối thiểu mà chưa quy định về chiều ngang, thực tế có những miếng đất chiều ngang chỉ 10m nhưng chiều dài có thể lên 100-200m. Huyện Bình Chánh hiện có 1.800 ha đất quy hoạch xây dựng mới và khoảng 50 ha đất hỗn hợp mà trong phạm vi điều chỉnh của Quyết định 60 là chưa được tách thửa.

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh

Ảnh: Độc Lập

Đáng nói, Bình Chánh được quy hoạch đất ở chỉ chiếm 25%, tương đương khoảng 6.500 ha/25.000 ha tự nhiên của huyện, đây là tỷ lệ còn thấp trong khi tốc tộ gia tăng dân số trên 3,5%/năm, tương đương trên 30.000 người/năm. Với dân số 750.000 người nên chỉ tiêu đất ở như vậy không đáp ứng được cho người dân Bình Chánh. Bên cạnh đó, quy hoạch để tạo nguồn đất ở cho người dân còn chậm, do hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực... của huyện ngoại thành còn hạn chế.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Tài kiến nghị thành phố xem xét để giải quyết nhu cầu của người dân. Cụ thể nhóm 1 là đất ở đã được công nhận, nếu có quy hoạch phủ lên là xây dựng mới và hỗn hợp nhưng nếu đảm bảo hạ tầng kỹ thuật thì được cho tách thửa. Nhà xây dựng trước 1980, người dân được công nhận là đất ở, nếu có nhu cầu tách thửa với diện tích tối thiểu theo quy định nên được xem xét cho phép. Đối với đất có chuyển mục đích và được công nhận nên xem xét cho tách thửa, phù hợp theo Luật Đất đai.
Riêng với nhóm 2 là đất chưa được công nhận nhưng phù hợp quy hoạch sử dụng đất. Sau 3 năm chưa thực hiện thu hồi đất nên xem xét giải quyết bài toán chuyển mục đích và cho tách thửa, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo dân sinh, đảm bảo cơ sở hạ tầng tiện ích.
Nhóm 3 là nhóm đất hỗn hợp, cần tính thêm hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... và được phép tách theo chỉ tiêu quy hoạch... Đó là nguồn đất ở rất lớn và thực hiện cho phép tách thửa sẽ đảm bảo quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, đối với đất nông nghiệp, nhu cầu nông nghiệp kỹ thuật cao và nông nghiệp đô thị rất lớn. Nhiều tỉnh có thu hút nguồn lực đầu tư vào hướng này và Bình Chánh cũng có những mô hình thành công như hợp tác xã cung cấp rau sạch, cá cảnh... Tuy nhiên, trong thời gian qua, người dân có nhu cầu tách thửa nhưng bị vướng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chưa có. Nếu không giải quyết thì rất lãng phí và chưa đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của người dân. Ông Tài đề xuất nếu là đất nông nghiệp, quy hoạch phủ lên mà chưa có thu hồi đất nên cho người dân tách thửa nếu đảm bảo được hạ tầng nông nghiệp như tưới tiêu, liên kết tiêu thụ sản phẩm... Cho tách thửa nhưng công năng sử dụng vẫn là sản xuất nông nghiệp đô thị hoặc nông nghiệp kỹ thuật cao. Đối với nhóm 2 trong sản xuất nông nghiệp được quy hoạch là chức năng khác như công trình công cộng nhưng chưa cho tách thửa nhưng phải lập quy hoạch sản xuất nông nghiệp cụ thể để thẩm định và sẽ cho tách thửa, để người dân có đầu tư phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.