Tại hội thảo “Góp ý quy hoạch tổng thể cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050” do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 3.3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết Việt Nam hiện có 22 CHK (9 sân bay quốc tế và 13 nội địa), song chưa có CHK đầu mối lớn mang tầm khu vực và thế giới.
Ông Tuấn cho hay theo tính toán của tư vấn, giai đoạn 2020 - 2030, vận tải hành khách hàng không dự kiến tăng trưởng 7,5 - 8%, vận tải hàng hóa đạt 8,4 - 9,7%.
Do đó, cơ quan tư vấn đề nghị quy hoạch 26 sân bay (đến năm 2030), trong đó 13 CHK quốc tế, giảm 2 sân bay so với quy hoạch hiện nay là sân bay Nà Sản (Sơn La) và sân bay Lai Châu.
Quỹ đất giai đoạn này khoảng 19.930 ha, ước tính chi phí đầu tư giai đoạn này khoảng 365.000 tỉ đồng. Đến năm 2050, tư vấn đề xuất Việt Nam có 30 sân bay, trong đó gồm 4 sân bay bổ sung là Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng, sân bay thứ 2 vùng thủ đô, và 15 CHK quốc tế. Quỹ đất đến giai đoạn này cần khoảng hơn 24.000 ha, ước tính chi phí khoảng 866.000 tỉ đồng.
Đánh giá về báo cáo cuối kỳ quy hoạch mạng lưới CHK, sân bay, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho rằng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, số sân bay dân dụng của Việt Nam chưa nhiều. Vì thế, các tỉnh mong muốn có sân bay để phát triển KT-XH, du lịch địa phương là chính đáng. Tuy nhiên, việc xây mới cần tính toán dựa trên nhiều tiêu chí và phù hợp với tổng thể mạng lưới CHK toàn quốc.
TS Nguyễn Bách Tùng, Cục phó Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), cho rằng: Dự thảo quy hoạch thiếu phần dành cho sân bay chuyên dùng (khu vực mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo sử dụng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng…), dù đây là xu hướng phát triển chung của hàng không châu Á. Luật Hàng không giao Bộ GTVT chủ trì lập quy hoạch phát triển hệ thống CHK, sân bay, trừ sân bay chuyên dùng, nên đây là lĩnh vực do Bộ Quốc phòng được giao chủ trì và quản lý.
Bình luận (0)