Xuất phát điểm của một tỉnh nghèo, khó khăn nhất nhì cả nước ở thời điểm tái lập (tháng 1.1997), hiện nay tỉnh Quảng Nam đã mạnh mẽ vươn lên, đạt nhiều thành tựu và dấu ấn quan trọng.
Quy mô kinh tế và nguồn thu ngân sách không ngừng tăng lên; từ năm 2017, Quảng Nam đã bắt đầu có đóng góp ngân sách Trung ương. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ. Diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi ngày càng đổi thay. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Ở những giai đoạn khó khăn nhất, người Quảng Nam luôn nỗ lực tìm ra cách thức để vượt qua, biến khát vọng trở thành hiện thực.
Đáng chú ý, mới đây, tỉnh Quảng Nam đã công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc "2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển".
Cụ thể, vùng đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Trong đó, Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học và đổi mới sáng tạo.
Vùng tây gồm các huyện miền núi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới…
Tỉnh Quảng Nam sẽ sáp nhập H.Núi Thành với TP.Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại 1. Năm 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu thu hút hơn 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa. Tỉnh được định hướng là trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm… Đáng chú ý, Quảng Nam phấn đấu năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính vì vậy, để tạo động lực tăng trưởng mới, phát huy tối đa lợi thế so sánh, tìm kiếm không gian, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị riêng có của tỉnh, việc thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp tỉnh Quảng Nam khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.
Điểm nhấn trong đề án quy hoạch này là việc đã tích hợp được tất cả nội dung quan trọng, cần thiết trong định hướng phát triển của tỉnh; bố trí không gian phát triển hài hòa, hợp lý dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững…
Để hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển trong quy hoạch tỉnh, thời gian đến tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch, tập trung hoàn thiện hệ thống quy hoạch liên quan theo hướng đồng bộ với quy hoạch tỉnh; đồng thời, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải đổi mới tư duy, cách làm mới để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh theo yêu cầu đề ra.
Quảng Nam cũng tập trung rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để chủ động trong thực hiện.
Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch "Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thực hiện phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư" để làm đòn bẩy tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển. Ngoài ra, chủ động nắm bắt những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp và người dân.
Người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, với các định hướng phát triển đã được phê duyệt, tỉnh sẽ đối mặt một số khó khăn nhất định. Vì vậy, đòi hỏi người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, người đứng đầu còn phải là người thúc đẩy, truyền cảm hứng, khơi dậy và lan tỏa tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, bền bỉ của con người xứ Quảng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên toàn tỉnh để thống nhất trong ý chí và hành động thực hiện các mục tiêu đề ra…
Ngoài ra, những người đứng đầu cần chủ động, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp; chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực...
"Đề án quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã xác định một trong quan điểm phát triển là phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển", ông Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, cho hay tỉnh luôn xác định việc phát triển xanh và bền vững là một ưu tiên hàng đầu trong phát triển. Điều này, được thể hiện rõ với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai, thời gian tới quy hoạch tỉnh đặt ra ưu tiên kiểm soát chặt chẽ về ô nhiễm môi trường, lựa chọn thu hút đầu tư với công nghệ tiên tiến, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó các ngành đều hướng đến sinh thái, hài hòa với thiên nhiên.
Theo ông Triết, mục tiêu phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050 đây là một thách thức rất lớn, thể hiện khát vọng phát triển của tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến.
Để đạt được kết quả này, trước hết cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ - nhiệm vụ hàng đầu để hiện thực hóa khát vọng phát triển Quảng Nam. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự nêu gương, là người truyền cảm hứng về niềm tin, khát vọng cống hiến; có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách làm việc đảm bảo khoa học, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời phải khắc phục triệt để biểu hiện chùn bước, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Bình luận (0)