Quy hoạch và chất lượng cuộc sống

26/02/2016 05:10 GMT+7

Chuyện kẹt xe vì thiếu cầu giao thông ở TP.HCM hay các đô thị lớn lấn át đường đi ở Hà Nội mà Báo Thanh Niên phản ánh gần đây, chỉ là một trong những lỗi của quy hoạch đô thị hiện nay.

Chuyện kẹt xe vì thiếu cầu giao thông ở TP.HCM hay các đô thị lớn lấn át đường đi ở Hà Nội mà Báo Thanh Niên phản ánh gần đây, chỉ là một trong những lỗi của quy hoạch đô thị hiện nay.

Nó giống như tình trạng nay thì “anh” điện đào đường chôn dây điện, mai “anh” viễn thông lại đào làm đường dây viễn thông. Đô thị mở rộng đến đâu thì cảnh ùn tắc, ngập úng và thiếu nước sinh hoạt cũng “chạy đua” đến đó.
Nguyên tắc thực hiện quy hoạch là hạ tầng phải được xây dựng trước, sau đó mới xây công trình. Còn đối với những công trình xây chen trong đô thị cũ phải tính đến sức chịu đựng của hạ tầng, nếu hạ tầng không đủ điều kiện thì không được xây công trình.
Tầng cao của khu vực tăng lên thì phải giảm mật độ xây dựng... Nhưng đáng tiếc, nguyên tắc tối thiểu này đã không được các nhà quy hoạch đô thị ở ta áp dụng, hoặc giả, chỉ thuộc trên lý thuyết mà không có giá trị thực tế.
Một câu chuyện luôn được nhắc đến như một ví dụ điển hình của “mọi lý thuyết đều màu xám chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”. Đó là đồ án quy hoạch đô thị của Hà Nội rất đẹp, trong đó quy định rất rõ đất dành cho giao thông là 25%, nhưng trên thực tế hiện chỉ chiếm hơn 7%.
Đó là chưa kể, mọi thứ chả ăn nhập gì với nhau. Chẳng hạn như tại Hà Nội, các khu đô thị lớn dọc tuyến Hà Nội - Hà Đông không kết nối gì với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang xây dựng. Ở các “siêu đô thị” như Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm (Hà Nội), người dân cứ ra đường là gặp tắc đường, bởi vì hầu như không có công trình kết cấu hạ tầng vận tải hành khách lớn đi cùng, như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị... bắt buộc người dân phải đi bằng phương tiện cá nhân. Trường học, bệnh viện, diện tích văn phòng cũng rất ít so với tổng nhu cầu của người dân khu vực. Do việc ở, đi làm, ăn uống và các dịch vụ khác không được tích hợp đồng bộ nên người dân buộc phải di chuyển đến nơi khác, càng làm tăng nhu cầu đi lại, dẫn tới ùn tắc nặng hơn. Thế là cả thành phố cứ nháo nhào với đông đúc, ùn ứ, ngập úng, nóng nực.
Đô thị là một cơ thể thống nhất, nhưng xây dựng thì do ngành xây dựng làm quy hoạch, ngành giao thông quy hoạch đường đô thị, tài nguyên - môi trường quy hoạch sử dụng đất, công thương quy hoạch điện... dẫn đến sự chồng chéo, giẫm chân, lệch pha, lỗi nhịp. Đó là căn nguyên gây nên tình trạng lộn xộn trong nghiên cứu, xây dựng và vận hành đô thị như đã nói.
Bộ mặt đô thị vốn phản ánh trung thực và sinh động sự phát triển của một đất nước. Người dân đang trông đợi những biện pháp quy hoạch đồng bộ, không chỉ để đem lại sắc diện mới cho đô thị mà còn cung cấp chất lượng cho một cuộc sống văn minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.