Quy mô đào tạo đại học: Khối ngành kinh doanh quản lý dẫn đầu và tăng mạnh

04/12/2022 18:27 GMT+7

Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy có sự chênh lệch lớn quy mô đào tạo đại học giữa các khối ngành trong 2 năm học liên tiếp. Trong đó, khối ngành kinh doanh quản lý và pháp luật dẫn đầu, tăng mạnh sinh viên.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học

ẢNH MINH HOẠ Đ.N.T.

Số liệu từ báo cáo của Bộ GD-ĐT tại cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH và CĐ sư phạm của Bộ GD-ĐT tuần này cho thấy có sự chênh lệch lớn quy mô đào tạo đại học giữa các khối ngành.

Theo đó, năm học 2021-2022, dẫn đầu quy mô đào tạo đại học là khối ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật) với 545.359 sinh viên. So với năm học 2020-2021 trước đó, khối ngành này có số lượng sinh viên tăng thêm hơn 13.400.

Xếp vị trí số 2 quy mô đào tạo đại học năm học 2021-2022 với 543.652 sinh viên là khối ngành V (toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y). So với năm học trước đó, khối ngành này năm nay giảm hơn 4.400 người.

Như vậy, có sự dịch chuyển vị trí dẫn đầu về quy mô đào tạo giữa 2 khối ngành III và V sau 2 năm, nếu năm học trước đó khối ngành V đứng đầu thì năm học này là khối ngành III.

Vị trí số 3 với 435.287 sinh viên trong năm học 2021-2022 là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng).

Số liệu được chia sẻ trong cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH và CĐ sư phạm của Bộ GD-ĐT

Tiếp đến, quy mô đào tạo đại học năm học 2021-2022 các ngành khối còn lại gồm: khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) với 151.504 sinh viên, khối ngành VI (sức khỏe) với 147.605 sinh viên; khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên) với hơn 23.500 sinh viên và ít nhất khối ngành II (nghệ thuật) với hơn 21.500 sinh viên.

Như vậy, trong năm học 2021-2022, quy mô đào tạo đại học giữa các khối ngành có sự chênh lệch lớn. Trong đó, quy mô đào tạo đại học khối ngành nhiều nhất đang gấp trên 25 lần so với khối ngành ít nhất.

Từ số liệu này, báo cáo của Bộ GD-ĐT chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai công tác đào tạo năm học. Trong đó, vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành, một số khối ngành tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh (như khối ngành I, II và IV). Công tác truyền thông tư vấn hướng nghiệp đến thí sinh một số nơi chưa hiệu quả, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.

Bên cạnh thống kê quy mô đào tạo đại học, cũng trong báo cáo này, Bộ GD-ĐT công bố 4 lĩnh vực đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất trong 3 năm liên tục gồm: nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.