Khoảng 2.000 người được cho là đã bị chôn vùi sau trận lở đất ở vùng núi Maip Mulitaka thuộc tỉnh Enga, miền bắc Papua New Guinea vào hôm 24.5.
Trong khi nỗ lực cứu hộ bị cản trở do đường sá xa xôi, mưa lớn và bạo lực sắc tộc, lãnh đạo Sandis Tsaka của Enga cảnh báo thảm họa có thể trở nên tồi tệ hơn.
Ông cho biết chính quyền đang sơ tán gần 7.900 người khỏi những ngôi làng gần đó trong khi bùn đất, đá vôi tiếp tục lở ra và rơi xuống từ ngọn núi Mungalo, theo AFP ngày 28.5.
"Thảm kịch vẫn còn đang diễn ra. Bạn có thể nghe thấy đá vỡ ra hàng giờ như một quả bom hay tiếng súng. Đất đá vẫn đang rơi xuống", ông Tsaka nói.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô thảm khốc của vụ lở đất. Trong 4 ngày đêm, dân địa phương đã cố gắng đào bới tại khu vực hiện trường bằng xẻng và gậy.
Mất một lúc 18 người thân trong thảm họa lở đất Papua New Guinea
Trung tâm thảm họa quốc gia Papua New Guinea đã nói với Liên Hiệp Quốc rằng hơn 2.000 người đã bị chôn sống trong thảm họa.
Quan chức Niels Kraaier, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Papua New Guinea ngày 28.5 nói rằng khó có khả năng có người được tìm thấy còn sống. "Đây không phải là nhiệm vụ cứu nạn, đó là nhiệm vụ quy tập thi thể. Rất ít khả năng họ sẽ sống sót", ông Kraaier nói.
Ông Tsaka cho hay khu vực tai nạn có nhiều người sinh sống, với nhà dân, cửa hàng, nhà thờ và trường học. "Tất cả bị quét sạch hoàn toàn. Giống như bề mặt mặt trăng, nơi này chỉ toàn đá. Họ đang đào bằng tay. Tôi không có trang bị để ứng phó với thảm kịch này", vị quan chức cho biết.
Úc đã công bố khoản viện trợ hàng triệu USD, gồm các nhu yếu phẩm khẩn cấp như lều tạm, dụng cụ vệ sinh… Mỹ và Trung Quốc cũng đã đề nghị giúp đỡ trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Papua New Guinea đáp ứng nhu cầu y tế khẩn cấp.
Chính quyền Papua New Guinea sẽ có cuộc họp khẩn trực tuyến với các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các đối tác quốc tế trong ngày 28.5 nhằm khởi động nỗ lực cứu hộ.
Ảnh vệ tinh của Maxar do Reuters cung cấp chụp ngôi làng Yambali thuộc vùng Maip Mulitaka tại Enga trước và sau vụ lở đất
Một ngôi nhà và con đường tại làng Yambali trước và sau thảm họa
Hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô thảm khốc của vụ việc
Bình luận (0)