Quỹ ngoài ngân sách 'ăn bám' ngân sách

26/08/2019 07:00 GMT+7

Mặc dù mục tiêu khi thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách là thu hút các nguồn lực ở khu vực ngoài nhà nước, nhưng thực tế nhiều quỹ 'sống' dựa chủ yếu vào ngân sách, trong khi hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí.

Đó là lý do đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (TCNNS) giai đoạn 2013 - 2018 vừa đề nghị bãi bỏ ngay và có lộ trình bãi bỏ hàng loạt quỹ.

“Sống dựa” ngân sách nhà nước

Đơn cử là Quỹ bảo trì đường bộ, 1 trong 7 quỹ mà đoàn giám sát đề nghị “bãi bỏ ngay”. Quỹ này có 2 nguồn thu thì cả hai đều từ ngân sách nhà nước (NSNN). Cụ thể, ngoài khoản thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện (là nguồn thu NSNN theo luật Phí, lệ phí), hằng năm, quỹ được NSNN cấp bổ sung phần chênh lệch giữa nhiệm vụ chi và nguồn thu. Trong giai đoạn 2013 - 2018, NSNN đã cấp cho quỹ này 18.020 tỉ đồng, trong đó năm 2017 là 3.700 tỉ đồng và 2018 là 3.800 tỉ đồng. Trong khi theo luật NSNN năm 2015, từ năm 2017 ngân sách sẽ không chi cho hoạt động của các quỹ TCNNS nữa.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu nằm trong số 10 quỹ được đề nghị bãi bỏ Ảnh: Ngọc Thắng

Quỹ bình ổn giá xăng dầu nằm trong số 10 quỹ được đề nghị bãi bỏ

Ảnh: Ngọc Thắng

Bên cạnh đó, một số quỹ hình thành cơ chế thu tương tự một khoản thuế tính trên doanh thu của tổ chức, doanh nghiệp (DN), hoặc từ tiền lương, tiền công của người lao động. Một số chính sách thu hình thành thêm các khoản đóng góp áp vào người dân, DN, dẫn đến sự phản ứng.

Số tiền trích quỹ được để lại cho DN đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay là 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và DN. Việc thu trước của người tiêu dùng để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng

Báo cáo của đoàn giám sát UBTVQH
Chẳng hạn, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá thu 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá, theo đoàn giám sát, thực chất là khoản thu có tính chất trùng với thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên doanh thu hàng hóa, dịch vụ. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích thu 1,5% doanh thu các dịch vụ viễn thông (từ tháng 7.2018 chỉ còn thu 0,7%), thực chất là khoản thu có tính chất là thuế bổ sung trên doanh thu đối với các DN viễn thông.
Trong khi đó, Quỹ phòng chống thiên tai có nguồn thu từ tiền đóng góp bắt buộc hằng năm của các DN (tính theo tỷ lệ tài sản) và cá nhân (1 ngày công đối với người lao động và 15.000 đồng đối với đối tượng khác) cũng đang gặp phải sự phản đối từ các DN (nhất là DN nước ngoài) và các tầng lớp nhân dân ở rất nhiều địa phương. Có địa phương như TP.HCM đã tạm dừng khoản thu này. Vì vậy, đoàn giám sát không chỉ đề nghị bãi bỏ quỹ này mà đề nghị bỏ cả cơ chế thu đối với khoản thu này.

Chi cho quản lý nhiều hơn nội dung hoạt động

Trong khi nguồn thu còn bất cập, không phù hợp với cả luật lẫn thực tế thì thực hiện nhiệm vụ cũng như việc chi tiêu của các quỹ cũng tồn tại sự bất hợp lý. Theo đoàn giám sát, nhiều quỹ có nhiệm vụ chi tương đồng với nhiệm vụ chi của ngân sách, như: Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ bảo vệ môi trường... Cạnh đó, nhiều quỹ thực hiện chức năng hỗ trợ tín dụng như các ngân hàng thương mại, đang cung cấp cùng một dịch vụ và cùng một đối tượng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội (Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm).
Đáng chú ý, đoàn giám sát cho rằng, các khoản chi cho bộ máy vận hành, quản lý chưa hợp lý so với hoạt động của các quỹ. Thậm chí, một số quỹ ở cả T.Ư lẫn địa phương, chi phí cho quản lý còn lớn hơn cả nội dung chi cho hoạt động quỹ. Chẳng hạn Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước với chức năng phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước và nâng cao chất lượng nguồn lao động, trong cả giai đoạn 2013 - 2019 chỉ chi được 62 tỉ/260 tỉ, trong đó chi cho tuyên truyền và công tác quản lý đã là 26,1 tỉ (chiếm 42%), còn chi cho các hoạt động mở rộng phát triển thị trường và đào tạo chỉ hơn 4 tỉ đồng.
Đó là chưa kể, việc mỗi địa phương trung bình có từ 10 - 15 quỹ TCNNS đang làm phân tán nguồn lực, tăng chi phí quản lý và phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế ở các địa phương. Đáng nói, mặc dù khoản chi cho bộ máy quản lý, vận hành lớn, song kết quả giám sát cho thấy, trừ một số quỹ tài chính quy mô lớn, đa số quỹ, bộ máy quản lý chủ yếu là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực cán bộ quản lý, điều hành các quỹ còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số quỹ còn thấp.

Sử dụng quỹ chưa minh bạch, công khai

Báo cáo của đoàn giám sát cũng nêu rõ, hiệu quả hoạt động của một số quỹ hạn chế, chưa có hiệu quả hoặc cũng không có đủ căn cứ để đánh giá hiệu quả, như Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS… theo đoàn giám sát là không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, hoặc rất khó để đánh giá hiệu quả một cách tích cực. Đơn cử, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS cả giai đoạn 2013 - 2018 chỉ thu được 1,5 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân (năm 2017 không có thu); dự kiến năm 2019 và 2020 quỹ chỉ thu được 20 triệu đồng/năm.
Có những quỹ, đoàn giám sát đánh giá là sử dụng chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, như Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đoàn giám sát, số tiền trích quỹ được để lại cho DN đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay là 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và DN. Việc thu trước của người tiêu dùng để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng. Trong khi đó, việc sử dụng quỹ hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu.
Cũng theo đoàn giám sát, thực tế hiện nay cho thấy, cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp. Trong khi các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã thực hiện nghiệp vụ hedging (tức là cố định giá trước để hạn chế tác động giá xăng dầu tăng, giảm). Do đó, đoàn giám sát đề nghị xác định rõ lộ trình hoặc bãi bỏ ngay quỹ này, để mặt hàng xăng, dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo luật Giá mà không cần quỹ bình ổn giá.

10 quỹ tài chính bị đề nghị bãi bỏ

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ ngay 7 quỹ: Bảo trì đường bộ; Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế; Hỗ trợ vận động cộng đồng người VN ở nước ngoài; Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, đoàn giám sát cũng đề nghị xây dựng lộ trình bãi bỏ 3 quỹ: Phòng chống tác hại thuốc lá; Bình ổn giá xăng dầu; Dịch vụ viễn thông công ích.

Kết dư các quỹ ở T.Ư là 907.200 tỉ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch năm 2019, tổng số thu của các quỹ TCNNS ở T.Ư (28 quỹ - PV) là 502.200 tỉ đồng, trong đó, dự kiến ngân sách cấp và hỗ trợ là 100.800 tỉ đồng; Tổng số chi các quỹ là 434.100 tỉ đồng. Kết dư các quỹ tính đến cuối năm 2019 khoảng 907.200 tỉ đồng, trong đó riêng 3 quỹ bảo hiểm là 865.100 tỉ đồng, chiếm 95,4% kết dư các quỹ.
Tổng số dư các quỹ TCNNS của địa phương hằng năm từ 2013 - 2018, tương ứng các năm lần lượt: 8.074 tỉ đồng, 9.862 tỉ đồng, 13.569 tỉ đồng, 14.880 tỉ đồng, 17.198 tỉ đồng và 18.268 tỉ đồng.
Trong đó, chủ yếu là của 5 quỹ có quy mô lớn là Quỹ phát triển đất; Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ bảo vệ môi trường; Quỹ phát triển nhà ở và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (chiếm tỷ trọng khoảng 85% tổng số dư các quỹ ở địa phương). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.