Theo đó, Bain Capital - Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỉ USD đã đồng ý gia tăng thêm 50 triệu USD vào khoản đầu tư vốn cổ phần của Masan Group, nâng mức đầu tư lên 250 triệu USD so với mức 200 triệu USD đã công bố vào tháng 10 năm 2023. Các điều khoản giao dịch vẫn giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Đại diện Masan cho biết, số tiền này sẽ được dùng để cải thiện các chỉ số tài chính và giảm đòn bẩy cho bảng cân đối kế toán của Masan.
Việc tăng quy mô đầu tư của Bain Capital trong bối cảnh hiện nay là sự tin tưởng mạnh mẽ cho chiến lược dài hạn và triển vọng của Masan. Điều này thể hiện rõ qua kết quả hoạt động kinh doanh vững chắc trong quý 3 của Masan.
Cụ thể, mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ của Masan ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng lần lượt ở mức 45,5% trong 9 tháng đầu năm và 47,3% trong quý 3 so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, dòng tiền tự do sự cải thiện liên tục, với dòng tiền quý 3 đạt 2.202 tỉ đồng, tăng đáng kể so với mức 125 tỉ đồng trong quý trước nhờ vào việc quản lý vốn lưu động hiệu quả.
Giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi được phát hành với giá 85.000 đồng/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1. Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS lên đến 10%/năm. Ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định tỷ lệ chia cổ tức cố định cụ thể và thời điểm thanh toán. Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần sẽ được nhận cổ tức với mức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Vào năm thứ 10 kể từ ngày phát hành, các cổ phần đang lưu hành sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Masan Group.
Như vậy, trong vòng 2 tháng kể từ giao dịch đầu tiên, Bain Capital đã rót tổng cộng 250 triệu USD vào Masan. Masan kỳ vọng giao dịch sẽ hoàn tất trong vài tháng tới và sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác, trong đó bao gồm giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi, để gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ Nợ ròng trên EBITDA dưới 3,5x một cách ổn định.
Theo số liệu từ Kantar Worldpanel, trong quý 3 năm 2023, tại Việt Nam, thị trường FMCG ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 6% tại 4 thành phố trọng điểm ở khu vực thành thị và 7% ở khu vực nông thôn so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu của Masan Consumer Holdings tăng 9% và EBITDA tăng 20% trong quý 3 năm 2023 so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận hoạt động kinh doanh của Masan Consumer Holdings sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong quý 4 năm nay.
Tương tự, sau một thời gian đổi mới mô hình cửa hàng và nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, vào tháng 11 vừa qua, WinCommerce ghi nhận sự cải thiện về doanh thu/ngày của cửa hàng với mức tăng trưởng đang tiến dần về con số dương (quý 1 năm 2023 giảm 10% so với cùng kỳ). Đây là động lực giúp ban lãnh đạo tự tin đạt được mức tăng trưởng dương trong tháng 12 này, và là chất xúc tác tích cực cho lợi nhuận chung của WinCommerce.
Bình luận (0)