Những điều đọng lại trong tôi về cái tết xa xưa ấy là vẻ mặt vui tươi và cách ăn mặc của các chú bác đến chơi. Họ thể hiện các kiểu ăn diện của nam giới sống trên đất Sài Gòn - Gia Định đầu thập niên 1970.
Đàn ông trên đường phố Sài Gòn năm 1961 - Ảnh: Life |
Tết Quý Sửu 1973, không khí trong xóm tôi khác với những cái tết trước đây. Hiệp định Paris vừa ký xong khiến người dân Sài Gòn - Gia Định nôn nao tin là hòa bình sẽ sớm đến trên quê hương. Các ông trong xóm qua lại thăm nhau nhiều hơn, để cùng nhau cụng ly, bàn chuyện thời sự.
Không phải đi học, tôi lon ton giúp má tôi mang ly, nước đá cho ba tôi tiếp khách. Nhờ đó, tôi chứng kiến cuộc tụ họp vui vẻ giữa các ông chủ gia đình trong xóm. Ai nấy đều ăn diện khác ngày thường.
Cậu Bảy Nheo đến trước, nhìn khỏe mạnh trong chiếc áo montagut mới toanh màu vàng nhạt, lấp lánh trong nắng tháng giêng. Cậu làm ở sở Mỹ, có tiền nên thích xài loại áo này, giá không rẻ vì nhập cảng từ bên Pháp. Cậu Bảy ngồi nói chuyện với dượng Hai Mỹ, chủ sự Hãng hàng không Air Việt Nam, còn gọi là “Air con rồng”. Ngày tết, dượng Hai mặc áo sơ mi trắng thắt cà vạt hẳn hoi.
Sau đó là ông ký giả nhựt trình, trong xóm gọi là chú Tư. Hôm nay ông vẫn bận cái áo bốn túi màu kaki như mọi ngày nhưng là áo mới coóng. Rồi đến thầy Hai răng vàng, bận sơ mi soa Pháp trắng, bỏ áo vô quần tây đen, mang giày đen, nhìn trẻ trung. Thầy chuyên chạy “áp phe” thuốc tây, nghe nói dám vô bán cả trong vùng quê có mấy “ổng” (sau hiểu là vùng giải phóng).
Đến buổi chiều mùng ba, nhà tôi tiếp mấy chú là bà con xa từ xã Tân Thạnh Đông miệt Hóc Môn. Ba ông chú, chú Sáu, chú Bảy, chú Tám bận ba bộ đồ bà ba đen y chang nhau trông rất ngộ. Chú Sáu co chân lên ghế ngồi kiểu nước lụt, rút thuốc rê ra quấn hút.
Có buổi chiều sau tết, ông Thầu (làm nghề thầu khoán) từ đầu ngõ đi vào thăm ba tôi. Ông bận bộ pyjama màu ruốc lợt, có viền màu nâu ở tay áo và gần miệng túi. Tay phải ông chống “can” bằng gỗ lên nước bóng, tay trái cầm ống điếu. Ở nhà, ba tôi bận bộ đồ bà ba trắng ra tiếp ông. Hai ông già nhấp chút rượu trong cái ly bé xíu, vui chuyện trong chiều xuân dịu mát và đầy hy vọng đó.
Những điều đọng lại trong tôi về cái tết xa xưa ấy là vẻ mặt vui tươi và cách ăn mặc của các chú bác đến chơi hôm ấy. Họ thể hiện các kiểu cách ăn diện, dù không đầy đủ, của nam giới một thời sống trên đất Sài Gòn - Gia Định, đầu thập niên 1970, bổ sung cho kiểu phục trang áo sơ mi, quần tây hằng ngày của giới làm công ăn lương.
Do ảnh hưởng từ người Pháp, đàn ông Việt thời thuộc địa bỏ dần chiếc áo the, khăn xếp lúc ra đường, đến cửa quan để làm quen dần với trang phục phương Tây, với áo sơ mi, quần tây, bộ complet... Bên cạnh đó, có các kiểu ăn mặc khác lúc đi chơi, ở nhà hay nơi giải trí lại thể hiện nhiều điều thú vị, ảnh hưởng của gout thẩm mỹ và điều kiện kinh tế lúc đó.
Từ trước 1954, nhiều người từ miền Bắc và Trung chuyển vào sống ở Sài Gòn. Họ mở các dịch vụ trang phục như đóng giày da, may quần áo, làm mũ nón, đáp ứng nhu cầu trang phục của người Pháp và cho cả giới công chức, viên chức trẻ người Việt. Họ mở tiệm may đồ vest, đồ đầm ở khu trung tâm Sài Gòn, trên đường Catinat (Tự Do) hay Charner (Nguyễn Huệ), Bonard (Lê Lợi), tiệm bán giày dép ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn) hay xưởng đóng giày ở phía quận 4. Ngoài ra, còn có hàng hóa nhập khẩu từ bên Pháp và các nước, có đủ thứ phục vụ việc chưng diện của các quý ông.
Ở vùng ngoại ô Sài Gòn - Gia Định, cách ăn mặc của đàn ông chậm thay đổi nhất. Ông Tiền Vĩnh Lạc, sống ở Úc, trong cuốn Làng cũ người xưa chỉ lưu hành trong thân hữu kể về trang phục trai làng An Nhơn ở Gò Vấp (khoảng đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp) cách nay sáu bảy mươi năm như sau: Với thanh niên ngoại ô làm nông thì: “Ở nhà, mấy cậu bận quần cụt, ở trần. Trời lạnh thì bận thêm cái áo bà ba đàn ông. Quần áo đàn ông thường may bằng vải săn đầm đen, hoặc vải xe lửa trắng (đầu vải in nhãn hiệu chiếc xe lửa). Ra đường, xỏ thêm cái quần dài đen hay trắng, quần thường chứ không phải “quần tây”. Đa số đi chân không để đầu trần”.
Nghệ sĩ Hùng Cường bận áo len cổ lọ, bên ngoài khoác áo vest giống cách chưng diện của hai tài tử Khương Đại Vệ và Địch Long của Hồng Kông đầu thập niên 1970 - Ảnh: tư liệu
|
Với đám thanh niên nhà khá giả có ăn học thì ăn bận tươm tất hơn: “áo bà ba vải xe lửa hoặc vải bô-bơ-lin (popeline) trắng tinh, hồ, ủi thẳng nếp, mang guốc vông, đội nón cối trắng hiệu Con Gà”. Đó là mấy cậu học sinh trường Petrus Ký hoặc tư thục Lê Bá Cang. Còn nếu thanh niên đã học xong lớp nhất, đậu bằng Sơ học yếu lược ra đi làm việc thì “bận đồ tây: quần tây dài, áo sơ mi luôn bỏ vào quần, mang giày Bata, mang giày xăn-đan... cậu nào sắm được một cái đồng hồ đeo tay là sang hết cỡ!”.
Người khá giả bận đồ tây khi ra đường, còn mấy ông làng, hương chức hội tề khi ra công sở, xuống đình làng thì “áo dài, khăn đóng, đi giày bố Bata hoặc giày hàm ếch da láng”.
Riêng mấy thầy làm việc ở Ngân hàng Đông Dương, Nhà Dây thép (Bưu điện), Sở Trường Tiền (Sở Công chánh) ăn mặc như Tây: “Đi làm mỗi ngày mà cũng thắt “cà-ra-oách (cravate), áo “vết” (vest), mang giày da có đóng sắt dưới đế, đi nghe “cộp cộp”, oai thấu trời! Biết đâu vô sở có khi bị Tây nó xài xể, khinh thường. Mấy thầy đi xe điện thì ngồi hạng nhứt, trả giá gấp đôi. Chiều về trên tay cầm một tờ nhựt trình... dân quê nó thấy nể quá chừng!”.
Một tác giả khác, nhà văn Hồ Trường An, trong cuốn Màn nhung đã khép tả hai nhân vật làm báo lịch lãm, ăn chơi ở Sài Gòn thập niên 1920 là anh em Đinh Tường và Đinh Thụy thật sinh động.
Đọc lại các đoạn này, ta thấy cách ăn mặc và chưng diện lúc đó đã rất tân thời không kém bây giờ:
“Đinh Tường khoảng ba mươi ngoài, mặt vuông trán rộng, mái tóc dợn sóng được chải thận trọng từng nếp quăn. Chàng để ria mép tỉa mỏng như kép Âu Mỹ nên khi chàng cười thì nụ cười dưới hàng ria mép sáng lên một vẻ nam tính hùng tráng và màu môi chàng như thêm sắc thắm đỏ... Màu ria mép đen nhánh hợp với màu đen rậm rạp của cặp chơn mày và đôi rèm mi dài. Chàng mặc bộ côm-lê màu kem nhạt, đi giày màu sô cô la, thắt cà vạt đen điểm chấm màu cam. Toàn cơ thể chàng toát ra vẻ phong lưu phơi phới. Hàng răng chàng bóng lên vẻ ngọc trai, chứng tỏ chàng chăm sóc nó cẩn thận. Còn đôi bàn tay chàng mới đẹp làm sao! Chúng không lớn không nhỏ, nhưng mu bàn tay rất mịn, ngón vừa vặn nhưng mềm, móng cắt cụt nhưng vanh thật cong ở đầu làm cho móng có hình thuôn như hột ô môi hay hột hạnh nhân”.
Còn Đinh Thụy, khoảng độ 25, hoặc 26 tuổi, “chàng mặc theo kiểu demi saison, áo vest bằng nhung đen sọc màu thiên thanh, quần màu xám và chơn đi giày đen”.
Kiểu “demi saison” có từ thời Pháp thuộc, kiểu quần áo để mặc hai mùa thay vì loại quần áo cổ điển chỉ có thể thích hợp cho một mùa. Từ đó người mặc “phăng” ra nhiều kiểu ráp quần này với áo kia.
Trong một đoạn khác, khi tác giả tả anh em này lúc ở nhà thì ăn bận như sau: Đinh Tường trong khi đợi khách đến để tiếp: “mặc áo sơ mi màu lam thạch, quần xanh dương đậm, chơn mang giày da đen đánh bóng nẩy sao”. Còn Đinh Thụy thì “mặc quần tây vải bố vàng, áo sơ mi cụt tay hoặc áo thun, chơn xỏ vào đôi giày hàm ếch hoặc đôi guốc Đa Kao”.
Về tóc tai, “hai anh em có mái tóc nhuyễn và gợn sóng tự nhiên, ôm sát vào da đầu nên không cần phải chải tóc nhiều, chỉ thường gội nước bồ kết và nước cốt chanh cho tóc bồng hẳn lên”. Vì tỉa ria mép theo kép hát bóng Huê Kỳ là Clark Gable và Errol Flynn nên Đinh Tường thường vuốt ria mép bằng sáp cho râu đen lánh.
Hồ Trường An đã tỏ ra có mắt tinh đời khi tả các nhân vật sắc nét tùy theo nghề nghiệp của họ. Ông tả trang phục một ông trùm cờ bạc: “bộ đồ bằng ga-pạc-đin xám, thắt cà vạt đen điểm chấm lam ngọc, đi giày đen”, đã vậy: “lại còn cầm “can”, đầu đội nón nỉ, túi áo giắt theo chiếc đồng hồ trái quít lẫn hộp đựng thuốc lá và chiếc hộp quẹt máy, tất cả đều bằng vàng”. Còn ông bầu gánh hát thì: “mặc bộ đồ bằng vải tuýt so” (tussor) màu ngà, đi giày màu sô cô la, thắt cà vạt đen sọc đỏ”.
Những năm thập niên 1930, người thuộc giới phong lưu hay ăn chơi hầu như đã ăn bận theo dân Tây, nhưng lứa trung niên và cao tuổi vẫn giữ nền nếp cũ và họ thuộc số đông. Nên có câu chuyện kể rằng khi nhà thơ nổi tiếng Tagore của Ấn Độ đến Sài Gòn năm 1929, để tỏ ý tôn trọng nước chủ nhà, ông bận trang phục cổ truyền Việt với áo dài gấm bông bạc, khăn đóng nhiễu đen, quần lãnh trắng, mang giày Gia Định thong thả dạo phố Sài Gòn.
Với khăn lụa cài túi áo vest, hai nghệ sĩ Tùng Lâm và Xuân Phát trông rất lịch lãm đúng phong cách ăn mặc Âu Tây - Ảnh: tư liệu
|
Sau thập niên 1930 là đến những năm 1940 đầy biến động, vì chiến tranh. Cái ăn cái mặc không được chú trọng, ai nấy sống cho qua thời cuộc. Đến thập niên 1950, cuộc sống Sài Gòn ổn định trở lại, người ta lại sống, làm việc, ăn diện và hưởng thụ. Tuần báo Mới số 53 xuất bản tháng 11 năm 1953 có trụ sở tại đường Sabourain gần chợ Bến Thành có bài Kinh nhật tụng của người đàn ông lịch sự bày cho giới mày râu Sài Gòn cách chăm sóc ngoại hình để trở thành một người đàn ông thanh lịch: “Bạn có thể dùng nước hoa, nhưng không phải thứ nước hoa nguyên chất của các cô đâu nhé! Nước hoa của bạn là thứ đã pha loãng trong rượu mạnh mà ta vẫn gọi Eau de Cologne, la Lavande và Cuir de Russie. Trước khi đi, bạn giốc ngược chai cho thấm vào khăn tay và dùng khăn tay kia (đó) xoa qua một tý trên mặt. như thế đã đủ lắm rồi...”. Về trang phục: “... Bạn cần tuyệt đối “khai trừ” những chiếc cà vạt lòe loẹt (màu sắc quá rực rỡ và lố lăng có cây, có nước, có vũ nữ, có xe hơi, có nhà lầu...). Một con người tế nhị thì cà vạt cũng tế nhị, một con người đàng điếm thì cà vạt cũng đàng điếm. Xin bạn chớ quên”. Về giày: “Đừng có chọn cái kiểu to phình như của người Pháp. Đừng có lấy thứ mũi vịt bèn bẹt của các cậu công tử bột Hanoi. Đạo trung dung dạy ta rằng: đôi giày phải vừa phải không to không nhỏ, nghĩa là phải cân đối với khổ người của bạn”.
Nhà thơ Đỗ Kh. trong một bài viết mô tả trang phục thập niên 1960 khi ông quan sát bạn bè học cùng trường của mình: “Học trò dân con nhà giàu thì chỉnh tề quần Tergal đen áo sơ mi trắng, xách cặp Samsonite da”.
Còn viên chức chính phủ cấp cao: “mặc quần tây nhạt đúng thời trang, loại có đai dây lưng cài chéo nút, áo montagut nhẵn thín, đầu bóng lộn chân đi giày không dây simili Gucci. Ông hút thuốc Jasmin cán vàng nhãn Sobranie, thứ 25 đồng 1 điếu (thuốc lá thường, lúc đó 20 đồng 1 bao) và cái xe con ông lái mới là độc đáo, Fiat 800 coupe hai cửa rất ít thấy...” (đoạn này ông tả tác giả Người thứ Tám của series truyện trinh thám Z.28).
Đến đầu thập niên 1960, quần Dacron hay Tergal được xem là đã lịch sự rồi dù sau đó chỉ chục năm đã bị cho là “quê một cục”.
Đến gần giữa thập niên 1960, lính Mỹ chưa vô nhưng trào lưu Mỹ đã bắt đầu với quần ống túm ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cảnh sát ở Đà Nẵng lúc đó bắt thanh niên ngồi chồm hổm, anh nào bận quần ống túm thì sẽ không ngồi được, lại bị tét đít. Tuy nhiên, từ năm 1964, nhất là khi người Mỹ vào miền Nam nhiều thì xuất hiện phong trào “Về nguồn” để cố cưỡng lại một nền văn hóa ngoại lai đang du nhập. Nhiều đám cưới tổ chức có cô dâu chú rể ăn mặc theo truyền thống như áo gấm đỏ, khăn vành dây và hột vàng thay vì mang lúp voan trắng lòe xòe... Cô dâu như vậy thì chú rể phải đồng bộ, thế là khăn xếp, áo thụng lam, áo dài khăn đóng. Đàn ông Sài Gòn có dịp quay trở lại trang phục truyền thống áo dài khăn xếp.
Đến 1974, ảnh hưởng phong trào hippy có vài năm trước, thời trang của một bộ phận giới trẻ là quần ống loe, lòe xòe như bà đầm xòe. Thanh niên để tóc dài do ảnh hưởng phong trào này và từ hình ảnh ban nhạc Beatles đang nổi tiếng. Riêng giới thanh niên con nhà giàu chơi sang có học, thì vẫn ăn mặc đúng mốt, đi giày Santiago đóng ở tiệm Gia tận bên Khánh Hội, mặc áo quần của nhà may Văn Quân hay Tân Tân, hớt tóc ở tiệm Đàm đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu).
Năm 1968 phong trào hiện sinh đang thịnh, Sài Gòn ăn chơi nhiều hơn, diện hơn. Đến lúc đó, việc ăn mặc sành điệu lại được cổ súy. Nhiều người đi đặt may từ cataloge mới đem từ Pháp sang theo các cô chiêu đãi viên hàng không, với các kiểu áo vest mới nhất. Áo montagut vẫn tiếp tục nhập dù giá rất chát. Cravate ngoại vẫn luôn có loại mới trong Passage Eden...
Bình luận (0)