Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất những ngày qua chìm trong không khí trầm mặc trước cái chết đột ngột của hoàng tử cả Rashid của Dubai.
Đối với riêng Tiểu vương quốc Dubai và dòng tộc Al Maktoum, đây còn là sự ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh “hoàng gia mê cưỡi ngựa” mà Tiểu vương Sheikh Mohammed cùng các hoàng tử và đặc biệt là người vợ thứ của ông - công chúa Haya đã gầy dựng.
Công chúa đến từ Jordan
Khi chưa bước chân vào hoàng tộc Dubai năm 2004, công chúa Haya bint Hussein cùng với chị dâu là Hoàng hậu Rania đã hút biết bao ánh nhìn ngưỡng mộ vào quốc gia Ả Rập nằm bên bờ đông của sông Jordan. Haya là con gái của cựu Quốc vương Hussein và là em gái của Quốc vương Abdullah II hiện nay. Trước khi trở thành một trong 4 người vợ thứ của Tiểu vương Sheikh Mohammed đồng thời là người vợ gần như duy nhất sát cánh bên chồng trong những chuyến công du, Haya đã nổi tiếng là công chúa mê cưỡi ngựa.
Công chúa Haya sinh năm 1974, là người phụ nữ đầu tiên đại diện Jordan ở các cuộc thi cưỡi ngựa quốc tế và cũng là người phụ nữ duy nhất giành được huy chương tại Đại hội đua ngựa liên Ả Rập. Mùa hè năm 2000, Haya đã vinh dự được trao vai trò người cầm cờ trong đoàn vận động viên Jordan tham gia Olympic mùa hè. Sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu, Haya còn thành công hơn nữa ở vai trò lãnh đạo. Với hai nhiệm kỳ (từ 2006 đến 2014) được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Đua ngựa quốc tế FEI, Haya gặp không ít sự chống đối nhưng vẫn hoàn tất tốt vai trò của mình trước khi chính thức từ chối ra tranh cử nhiệm kỳ 3.
Đáp trả sự phản đối của những người trong FEI khi họ cho rằng “Haya là một kẻ chuyên quyền với những quyết định thiếu suy nghĩ”, Haya đã nhấn mạnh rằng sẽ quyết liệt sa thải những nhân viên yếu kém với tuyên bố: “Tôi có thể thực hiện việc đó một cách khác người nhưng kết quả thì không có gì khác cả”. Ở Jordan, Haya từng có tiếng là “công chúa thách thức”. Mê lái xe tải, Haya đã làm mọi cách để có được bằng lái xe tải năm 19 tuổi và cho đến nay cô là người phụ nữ duy nhất ở Jordan được cấp phép chạy xe tải hạng nặng.
Haya từng tâm sự Tiểu vương Sheikh Mohammed chính là tấm gương để cô học hỏi và hết lời ca ngợi chồng - một “ông trùm” của thế giới đua ngựa. “Tôi biết ơn chồng tôi vì đã dìu dắt tôi. Sự đòi hỏi ráo riết của ông về khả năng quản lý, tính công bằng và thái độ phụng sự nhân dân là một chuẩn mực mà tôi cố gắng cạnh tranh. Trong mắt tôi, chồng tôi vừa là hình mẫu vừa là người thầy thông thái”, Haya cho biết. Công chúa này còn “phục vụ” thêm cho hai tổ chức khác là Tổ chức sức khỏe động vật thế giới và Liên đoàn Thể thao về ngựa quốc tế. Đối với Haya, tuổi trẻ đua ngựa là mang vinh quang về cho quê hương còn sự nghiệp lãnh đạo là thành tích gắn liền với quê chồng: “Bất kỳ sự thành công nào mà tôi đạt được ở vị trí Chủ tịch FEI đều là thành công dành cho UAE”.
Lý do giã từ sự nghiệp đang lên của mình vào cuối năm 2014, theo Công chúa Haya (cô giữ lại danh hiệu thời con gái mình sau khi lấy chồng) là để có nhiều thời gian hơn cho gia đình và cho 2 con nhỏ cũng như toàn tâm toàn ý cho công tác từ thiện. Haya mất mẹ - Hoàng hậu Alia trong một tai nạn máy bay trực thăng khi cô mới 2 tuổi và lớn lên bên cha với tâm niệm: “Chăm sóc người khác thường là cách dễ nhất để vượt qua nỗi đau của riêng mình”. Nhận xét về công chúa Jordan, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cho biết: “Cô ấy không làm chuyện đó với vẻ hiên ngang hay để cho thiên hạ biết”.
Với vai trò nào thì Haya cũng vẫn tự tin làm tròn. Khi được tờ New York Times hỏi liệu vợ chồng Haya có bàn gì đến công việc của cô trước khi kết hôn hay không, cô công chúa với tấm bằng của Đại học Oxford cười lớn: “Chả có gì gọi là thảo luận cả. Sự thật là tôi yêu ông ấy (hơn những 25 tuổi - NV) và rồi tôi chuyển hết đồ đạc của mình từ quê nhà đến Dubai”.
Công chúa Haya cùng chồng là Tiểu vương Sheikh Mohammed
|
Đám cưới xa hoa bậc nhất
Nếu Haya là người luôn xuất hiện như thể với tư cách Đệ nhất phu nhân Dubai thì Hoàng hậu Sheikha Hind bint Maktoum bin Juma Al Maktoum luôn là người trong “vòng bí mật” của dòng họ Al Maktoum bởi bà nghiêm ngặt tuân theo truyền thống của đạo Hồi. Sheikha Hind cho đến nay vẫn còn được nhắc đến với một đám cưới xa hoa cùng Hoàng tử Sheikh Mohammed kéo dài suốt 5 ngày đêm, kinh phí lên đến hơn 100 triệu USD (tính theo tỷ giá hiện nay) năm 1979. Cô dâu và chú rể là bà con gần với nhau. Năm đó, cô dâu mới 17 tuổi còn chú rể lớn hơn 13 tuổi.
Một khu đất rộng phía trước lâu đài Zabeel được rào kỹ càng với chung quanh là những cây cột thắp sáng suốt 24/24 tiếng. Người dân trong nước và người nước ngoài được phép vào khu vực này để thưởng thức các buổi biểu diễn âm nhạc non-stop, các màn trình diễn của các kỵ sĩ thuộc Binh đoàn Hoàng gia cũng như chiêm ngưỡng những con ngựa và lạc đà đẹp nhất thế giới. Trong 5 ngày hội đó, đã có 127 cuộc đua lạc đà diễn ra trên sa mạc.
Điểm nổi bật nhất của đám cưới này là lần đầu tiên Phi đội lực lượng cảnh sát Dubai ra mắt đội máy bay Macchi Jet Fighter vốn được “giao hàng” cách đó 2 năm. 5 chiếc Macchi Jet Fighter thi nhau nhào lộn phối hợp đẹp mắt và giới thiệu với thế giới về Trung tâm thương mại thế giới Dubai đang được xây dựng. Đây là một trong những “kiệt tác nhân tạo” tạo nên tên tuổi của Sheikh Mohammed, cùng với Tòa tháp Burj Khalifa (công trình cao nhất thế giới - 829,8 m), quần đảo Palm Islands và khách sạn 7 sao Burj Al Arab. Kể từ đám cưới năm 1979 đó đến nay, chưa có một sự kiện nào khác có thể cạnh tranh được về quy mô, nội dung lẫn sự tham gia của người dân. Và một dấu ấn nữa là đích thân Sheikh Mohammed cưỡi ngựa đi đến mọi khu làng ở UAE ban thức ăn cho dân chúng.
Sau đám cưới, Hoàng hậu Sheikha Hind, nay 53 tuổi lui hẳn về hậu trường, gần như chưa bao giờ tháp tùng chồng đến các sự kiện của công chúng. Bà sinh cho Sheikh Mohammed 12 người con (trong tổng số 23 con của quốc vương), trong đó có hoàng tử cả vừa mới qua đời và Thái tử Hamdan. Bà đích thân chăm sóc và nuôi nấng đàn con ruột với cả đàn con nuôi mà bà nhận về.
Bình luận (0)