Khi cần hoạt động tài trợ vật chất cho trường, phụ huynh sẽ bàn giao hiện vật chứ không đóng góp bằng tiền mặt. Trong tình hình cứ vào đầu mỗi năm học là phụ huynh bức xúc với các khoản thu, trong đó có quỹ phụ huynh, thì lãnh đạo các trường cho rằng không thu quỹ phụ huynh cấp trường là giải pháp an toàn. Chính vì vậy ngay tại Q.1 (TP.HCM) - một quận có nhiều trường được phụ huynh quan tâm, có đến 50% các trường thực hiện mô hình này.
Tuy nhiên, trên thực tế thì đó chưa phải là giải pháp thích hợp vì theo trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, mô hình này nhận được ý kiến đồng tình lẫn phản đối.
Không có quỹ trường nhưng quỹ lớp vẫn thu thì có những vấn đề đặt ra: Gánh nặng có đổ dồn về các lớp? Như thế dù mang tiếng không đóng quỹ trường nhưng có khi quỹ lớp lại tăng thêm thì đâu vẫn hoàn đấy. Chưa kể quỹ trường còn có những quy định khoản thu rõ ràng, do hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước xã hội, cơ quan quản lý cấp trên. Trong khi đó, điều này sẽ khó thực hiện ở cấp quỹ lớp dẫn đến việc mỗi lớp thu chi mỗi kiểu, nhà trường không thể quản lý được…
Chính vì vậy, có ý kiến phụ huynh cho rằng không thu quỹ trường mà làm "công trình của phụ huynh" về bản chất là vẫn thu tiền đóng góp từ phụ huynh. Chưa kể không thể kiểm soát thu chi quỹ lớp thì phụ huynh cũng nhiều áp lực. Thu chi quỹ phụ huynh là một trong những nguyên nhân khiến từng có ý kiến đề nghị bỏ tổ chức ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) trong nhà trường.
Về vai trò, nhiệm vụ, rõ ràng đây là một tổ chức cần thiết cho cả nhà trường lẫn phụ huynh. Tương tự như vậy, để tổ chức này hoạt động hiệu quả, đặc biệt hỗ trợ việc học tập, sinh hoạt của HS tốt hơn thì không thể không có nguồn quỹ. Đơn giản như muốn gắn thêm quạt, thêm đèn, thay màn cửa… cho HS có điều kiện học tốt hoặc tổ chức khen thưởng HS của lớp, liên hoan cuối năm… nếu không có quỹ thì sao thực hiện được? Ở các trường tư hoặc quốc tế không thu quỹ, nhưng các hoạt động này vẫn thực hiện được là nhờ nguồn học phí cao.
Chính vì thế, vấn đề quan trọng nhất ở đây không phải là có hay không quỹ phụ huynh mà là thu, chi như thế nào.
Với những trường không thu quỹ phụ huynh, nhưng vẫn đảm bảo được hoạt động thuận lợi nhờ các nguồn hỗ trợ, vận động trao tặng mà không vi phạm quy định và không đẩy gánh nặng về chi hội các lớp thì có thể vẫn nên duy trì mô hình này. Vấn đề còn lại là giải pháp để quản lý quỹ lớp hiệu quả, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Trước hết những khoản thu của quỹ lớp chỉ thật sự dùng để phục vụ cho HS và các hoạt động cần thiết của lớp, công khai, minh bạch, không cào bằng, trên tinh thần tự nguyện. Quan trọng hơn, dù là quỹ lớp thì người chịu trách nhiệm chính vẫn là hiệu trưởng nhằm tránh tình trạng lãnh đạo trường "vô can" khi có những phản ứng liên quan đến quỹ phụ huynh.
Câu chuyện quỹ phụ huynh sẽ không là vấn đề nóng trở đi trở lại hằng năm nếu tách bạch với những lợi ích của cá nhân; hoạt động của hội phụ huynh không bị can thiệp, chi phối quá nhiều từ nhà trường để tổ chức này không bị gọi tên "cánh tay nối dài của nhà trường" như lâu nay.
Bình luận (0)