Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, ăn uống đủ chất, sống ở một quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, việc tiếp xúc ánh nắng trong điều kiện lao động, sinh hoạt bình thường đã đủ cho nhu cầu tổng hợp vitamin D của cơ thể, do vậy việc tắm nắng có thể không nhất thiết. Tắm nắng thường được khuyến khích áp dụng cho trẻ nhỏ đang ở giai đoạn phát triển cơ thể hoặc những người rất ít tiếp xúc ánh nắng, thiếu hụt vitamin D...
Để an toàn cho da và sức khỏe, đặc biệt trong mùa nắng nóng, Th.S-BS Trịnh Minh Trang, Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Bệnh viện Da liễu T.Ư (Hà Nội), lưu ý nếu tắm nắng không đúng cách, đúng chỉ định sẽ gây hại cho da như: gây bỏng da, lão hóa da, tăng nguy cơ ung thư da, tổn thương mắt...
Mùa hè mọi người có thói quen đi bơi, tắm biển, tiếp xúc nhiều với nắng. Do đó, nên lưu ý lựa chọn thời điểm và các sản phẩm hỗ trợ để giảm các tác động không tốt từ ánh nắng gay gắt. Tránh tắm biển vào thời điểm nắng gắt, giữa ngày và tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng trong thời gian dài. Sử dụng kem chống nắng đúng cách khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Sử dụng sản phẩm chống nắng không thấm nước khi bơi, khi chơi các trò chơi dưới nước.
Các biện pháp che chắn như: mũ, nón, kính râm, áo choàng... không bao giờ thừa, ngay cả khi đã dùng các sản phẩm chống nắng (ảnh). Lưu ý cung cấp đủ nước và các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể để giảm tác hại của ánh nắng.
Không có quy tắc chung cho việc tắm nắng, tuy nhiên chúng ta cần lưu ý: Chỉ nên tắm nắng trong thời gian khoảng 5 - 15 phút/ngày. Không sử dụng các sản phẩm chống nắng có tác dụng ngăn tia UVB khi tắm nắng. Tránh tắm nắng vào thời điểm nắng gắt vì có thể gây bỏng nắng. Làn da sẫm màu cần tắm nắng trong thời gian lâu hơn làn da sáng màu. Che chắn mắt kỹ càng để tránh tác hại của tia UV tới mắt.
Những người có cơ địa dị ứng ánh nắng, mắc một số bệnh tự miễn, cần tránh nắng như lupus ban đỏ hệ thống, ung thư da, hoặc đang sử dụng các thuốc tăng nhạy cảm ánh nắng thì không nên tắm nắng.
Bình luận (0)