Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Người chia sẻ thông tin cũng phải chịu trách nhiệm?

15/12/2018 07:04 GMT+7

'Trên thực tế với một thông tin có khi hậu quả không phải đến từ người đăng mà còn đến từ người chia sẻ. Hiện nay, thông tin nhạy cảm lại được chia sẻ rất nhiều', TS Dung nói.

Ngày 14.12, tại TP.HCM, Bộ TT-TT tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại VN”.

“Chống” và “xây”

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP, cho hay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, với những tiện ích của mạng xã hội và tốc độ tham gia xã hội của “cư dân mạng”, có thể nhận thấy xu hướng của mạng xã hội sẽ ngày càng phát triển và thu hút ngày càng nhiều người hơn. Đáp ứng điều đó, thời gian qua Bộ TT-TT ban hành một số văn bản về quản lý nhà nước đối với mạng xã hội nói riêng và internet nói chung, sắp tới là luật An ninh mạng có hiệu lực. Những văn bản này đã đề cập đến vai trò của từng đối tượng: cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế gặp không ít khó khăn, thậm chí có những điểm không phù hợp.
Trên thực tế với một thông tin có khi hậu quả không phải đến từ người đăng mà còn đến từ người chia sẻ, mà hiện nay với thông tin nhạy cảm lại được chia sẻ rất nhiều

TS Thái Thị Tuyết Dung


Theo TS Hậu, bên cạnh nhiều biện pháp kỹ thuật và quản lý hành chính nặng về “chống” của cơ quan quản lý thì việc “xây” một “thế giới mạng lành mạnh, tốt đẹp” khó khăn hơn. Bởi vì trong thế giới internet, việc quản lý về kỹ thuật không hề dễ dàng do tiến bộ kỹ thuật luôn đi nhanh hơn văn bản quy phạm (ví dụ, việc dựng “tường lửa” sẽ có “thang” trèo vào). Vì vậy những văn bản quản lý cần chú ý tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức và cá nhân sử dụng internet và mạng xã hội như công cụ hữu ích cho công việc, sinh hoạt... TS Hậu cho rằng có thể coi bộ quy tắc mà Bộ TT-TT đang xây dựng như một “luật chơi” trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu “luật chơi” do nhà quản lý đặt ra không hoặc chưa thích hợp với “luật chơi” vốn có của mạng xã hội thì khó hiệu quả vì ít người “tuân thủ”.
TS Hậu cũng chia sẻ những nguyên tắc mà người chơi mạng xã hội quốc tế để người chơi trong nước tham khảo: không tham gia vào các cuộc tranh luận công khai, đặc biệt là tranh luận những vấn đề không liên quan đến mình hay những vấn đề mình không hiểu rõ; không đăng bài hoặc chia sẻ bài viết bất hợp pháp, bài viết lừa đảo; nghĩ về phản ứng của độc giả; không công khai thông tin cá nhân...

Chỉ nên là “bộ quy tắc mẫu”

TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn Luật hành chính - Trường ĐH Luật TP.HCM, cho hay qua khảo sát bà không thấy có bộ quy tắc nào dùng chung cho mọi đối tượng mà chỉ có bộ quy tắc dành riêng cho một số ngành như bộ đội, công an, cán bộ công chức, viên chức… Còn đối với người dân thì chỉ có khuyến nghị chứ không thể bắt buộc vì không một cơ quan nhà nước nào đủ sức để chạy theo điều chỉnh những việc đó.
Vì vậy, đề án cần “chẻ” ra từng ngành, lĩnh vực, đối tượng chứ không nên gộp chung. Nếu có thì cũng nên ghi bộ quy tắc mẫu để các ngành, lĩnh vực dựa vào đó ban hành. Với đối tượng cung cấp dịch vụ, bà Dung cho rằng khi có thông tin sai lệch cần phải quy định rõ thời gian buộc gỡ bỏ, nếu không sẽ chế tài.
Cũng theo TS Dung, hiện nay Nghị định 72 về sử dụng internet và thông tin mạng, Nghị định 74 về xử phạt vi phạm hành chính là cơ sở pháp lý để xử phạt hành vi liên quan đến sử dụng mạng xã hội.
Tuy nhiên, hai nghị định này ban hành khá lâu trong khi sự phát triển quá nhanh của hành vi xã hội, của môi trường mạng khiến cho việc điều chỉnh, xử phạt hành vi đó không còn phù hợp. Điển hình vừa rồi cơ quan chức năng đã phải rút quyết định xử phạt công dân nói xấu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế, bởi biên độ xác định thế nào là nói xấu ở mỗi đối tượng được áp dụng khác nhau...
“Câu hỏi đặt ra là có cần bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng không, tôi cho rằng rất cần nhưng nên tiếp cận ở góc độ khác chứ cách tiếp cận như đề án chưa phù hợp”, bà Dung nói và khuyến nghị đề án cần tiếp cận không chỉ với người đăng thông tin mà còn cả với người chia sẻ thông tin. “Trên thực tế với một thông tin có khi hậu quả không phải đến từ người đăng mà còn đến từ người chia sẻ. Hiện nay, thông tin nhạy cảm lại được chia sẻ rất nhiều”, TS Dung nhận định.
Phát ngôn nói xấu, phỉ báng dẫn đầu
Đề án cho hay hiện Bộ TT-TT cấp giấy phép hoạt động cho 436 mạng xã hội. Facebook, YouTube, Facebook Messenger, Zalo, Google+, Mocha… là những trang có số lượng người sử dụng đông đảo nhất. Theo báo cáo của Tổ chức We are Social, năm 2018, Facebook có khoảng 55 triệu thành viên VN sử dụng (chiếm 57% dân số). VN xếp thứ 7 trong số 10 quốc gia có người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.
Một khảo sát của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS) cho thấy các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại VN thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37%); kỳ thị giới tính (29,3%); kỳ thị khuyết tật (21,76); kỳ thị tôn giáo (15%)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.