Đã cơ bản kiểm soát được dịch sau 1 tháng
Chiều 21.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với Thường trực Chính phủ và một số địa phương về phòng, chống dịch Covid-19.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nhìn chung, sau 1 tháng, các ổ dịch tại Việt Nam đều đã được kiểm soát, kể cả ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương.
Về tiến độ sản xuất vắc xin, theo ông Long, đến nay, trên thế giới có 138 vắc xin đang được đánh giá tiền lâm sàng, trong đó, 29 vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm và 6 vắc xin đã được thử nghiệm ở giai đoạn 3.
"Gần đây, Nga đăng ký loại vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới có tên là Sputnik-V và đã bắt đầu khởi động quá trình sản xuất. Nhưng vắc xin của Nga mới bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, chưa phải đã xong. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đăng ký vắc xin Covid-19 có tên Ad5-nCoV", ông Long thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Long, các chuyên gia đánh giá hiện 3 vắc xin của Mỹ, Anh và Trung Quốc là có tiềm năng và xuất hiện sớm.
Việt Nam cũng có 4 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc xin, cố gắng trong năm 2021 sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
"Mặc dù các nước đang nỗ lực, chạy đua với thời gian để sản xuất vắc xin, nhưng việc tiếp cận với vắc xin hết sức khó khăn. Việt Nam chúng ta dự báo trong 6 tháng cuối năm 2021 mới có thể tiếp cận với nguồn vắc xin, dù đã đăng ký kiểu "xếp gạch" với các nhà sản xuất", quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ Y tế cũng đánh giá, vài ngày tới, Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn có thể có ca bệnh rải rác, do bệnh đã có trong cộng đồng. Dịch ở Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Ổ dịch tại số nhà 36 Ngô Quyền (TP.Hải Dương) với 12 ca bệnh đã được khoanh vùng kịp thời, đang nhanh chóng dập dịch dứt điểm.
"Hải Dương làm trong 10 ngày đã kiểm soát được dịch vì chúng ta hành động nhanh, hành động quyết liệt, như Thủ tướng nói “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Quyết liệt và nhanh bao nhiêu thì đỡ được hậu quả nặng nề bấy nhiêu", ông Long nhấn mạnh.
Ngoài các điểm nóng trên, thì thời gian tới vẫn có thể xuất hiện người mắc bệnh rải rác ở một số địa phương và lây lan trong cộng đồng nếu không có các giải pháp phòng dịch một cách kịp thời.
Đã có 3.700 máy thở
Nhận định tình hình chống dịch vẫn còn phải kéo dài, ông Long cho biết, hiện việc đảm bảo hậu cần cũng đã được chuẩn bị tốt.
"Khẩu trang, thiết bị phòng hộ chúng ta không cuống như trước. Lần trước vì sao cứ phải khuyến cáo khẩu trang này, khẩu trang kia, vì chúng ta thiếu. Hiện chúng ta cũng đã nhận bàn giao 3.700 máy thở (Vin Group tặng 3.200 máy, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Trường đại học Văn Lang tặng 500 máy) để phát cho các địa phương.
Vấn đề lo nhất là máy thở đã không còn phải lo nữa. Thành lập bệnh viện dã chiến, Trung Quốc làm mất 1 tuần thì chúng ta cũng có 3,5 ngày. Trong lần này, các địa phương đã hết sức chủ động tất cả các tình huống, nhất là hậu cần", ông Long cho biết thêm.
Mặc dù một số địa phương kêu khó trong mua máy móc, sinh phẩm chống dịch, nhưng ông Long cho rằng, nhìn vào lượng mẫu xét nghiệm rất nhiều (từ 25.7 tới nay, toàn quốc đã xét nghiệm 496.000 mẫu, cao hơn tổng số mẫu đã xét nghiệm 6 tháng trước đây), cho thấy các địa phương không quá bối rối, đã linh hoạt "tiết kiệm", "xin tài trợ được bao nhiêu thì xin chứ chưa dùng ngân sách địa phương".
Trong bối cảnh dịch có thể kéo dài và xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng nếu không quyết liệt, ông Long cảnh báo tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác.
"Muốn có trạng thái bình thường mới, thì bắt buộc phải thực hiện các biện pháp cơ bản như đeo khẩu trang và giãn cách nơi đông người, phải có chế tài để xử lý việc này", ông Long nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị việc Việt Nam mở cửa trở lại "cần hết sức cân nhắc và tiến hành theo từng bước thận trọng".
Bình luận (0)