Quyền Bộ trưởng Y tế chỉ đạo khẩn trương xét hồ sơ cho thuốc có nhu cầu gấp

17/09/2022 15:59 GMT+7

Trước thông tin lo ngại thiếu thuốc gây tê nha khoa, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Cục Quản lý dược phê duyệt kịp thời, khi đơn vị nhập khẩu hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Theo PGS - TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư Hà Nội, trong thời gian vừa qua, công ty cung ứng thuốc tê có thông báo tới bệnh viện về tình trạng khan hiếm thuốc tê nồng độ 2%.

Về nguyên nhân có thể chậm cung ứng thuốc gây tê nêu trên, công ty nhập khẩu thuốc cho hay, do giấy phép nhập khẩu thuốc tê đã hết hạn từ tháng 3.2022. Công ty này vừa hoàn thiện hồ sơ xin gia hạn giấy phép theo yêu cầu của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư Hà Nội Trần Cao Bính khẳng định đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế trong điều trị an toàn cho người bệnh

LIÊN CHÂU

Trước phản ánh trên từ nhà nhập khẩu, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết đã trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý dược xem xét, phê duyệt kịp thời với hồ sơ xin nhập khẩu đã hoàn thiện theo yêu cầu, đảm bảo cung ứng thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị.

Có thuốc tốt thay thế

Thông tin thêm về việc sử dụng thuốc tê trong nha khoa, trao đổi với Thanh Niên, PGS Bính cho biết: “Hiện có 3 loại thuốc gây tê được sử dụng trong nha khoa cung ứng vào bệnh viện. Loại thuốc tê có nguy cơ khan hiếm là thuốc tê chuyên dụng dành cho nha khoa, trong đó chứa Lidocain 2%".

Theo ông Bính, từ khoảng 2 tháng nay, thị trường khan hiếm loại thuốc tê nêu trên, bệnh viện đã yêu cầu nhà cung cấp duy trì nguồn hàng nhưng do đứt gãy chuỗi cung ứng, số lượng thuốc tê vỏ đỏ về ít hơn và hiện sắp hết.

Để chủ động khắc phục thiếu hụt có thể xảy ra, bệnh viện đã chủ động, linh hoạt liên hệ với các nhà cung ứng thuốc tê khác cung cấp thuốc tê nồng độ adrenaline 4%, là thuốc tốt hơn và đắt hơn thuốc tê hiện tại đang dùng; và dùng thuốc thay thế xen kẽ, phù hợp trong điều trị.

“Loại dùng thay thế này có giá đắt hơn, có thể ảnh hưởng đến cán cân thu - chi dịch vụ của bệnh viện, nhưng hiệu quả gây tê nhanh hơn và kéo dài hơn, tốt hơn cho bệnh nhân nên chúng tôi sẵn sàng sử dụng”, ông Bính nói.

“Như vậy, chúng tôi hoàn toàn có thuốc tê thay thế, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Không bao giờ có chuyện chỉ thiếu 1 loại thuốc tê mà bệnh viện phải đóng cửa như có ý kiến lo ngại”, ông Bính khẳng định.

Theo Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư Hà Nội, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân, cao điểm lên đến 1.500 người đến khám điều trị. Mỗi tuần, bệnh viện sử dụng 1.000 - 1.500 ống thuốc gây tê, cao điểm lên đến 2.000 ống. Do đó, việc đảm bảo thuốc, vật tư y tế trong điều trị là quan tâm hàng đầu.

“Hàng ngày, chúng tôi đều cập nhật, sát sao về tình hình cung ứng các thuốc, vật tư y tế để có hướng xử lý kịp thời nếu có nguy cơ thiếu hụt, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong điều trị”, ông Bính cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.