Quyền Bộ trưởng Y tế: Không để thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc chữa bệnh truyền nhiễm

02/08/2022 15:36 GMT+7

Hiện dịch cúm A và sốt xuất huyết đang xảy ra rất nhiều tại các địa bàn, trong khi dịch Covid-19 xuất hiện biến thể mới. Chúng ta phải chú ý tránh dịch chồng dịch, nếu xảy ra có thể sẽ diễn biến rất nặng.

Đây là lưu ý của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đối với các địa phương tại Hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức sáng 2.8.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị

T.Hằng

Tránh dịch chồng dịch

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và các vấn đề khác như đô thị hóa, di dân… là nguyên nhân của sự xuất hiện, nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm với xu hướng dịch bệnh phức tạp, khó lường.

Bà Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương thực hiện chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các biến thể mới liên quan đến Covid-19, sốt xuất huyết và đậu mùa khỉ.

Ngoài thực hiện đúng theo chỉ đạo của T.Ư, các Sở Y tế cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đánh giá cấp độ dịch để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

“Hiện nay, dịch cúm A và sốt xuất huyết đang xảy ra rất nhiều tại nhiều địa bàn. Các địa phương cần dự báo từ số lượng các ca tăng thêm, đến công tác khám chữa bệnh, công tác vật tư y tế, tuyệt đối không để thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc chữa bệnh cho các đối tượng bị nhiễm các bệnh liên quan đến bệnh truyền nhiễm”, bà Lan nhấn mạnh, và đề nghị các địa phương sớm phát hiện và điều trị các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

"Chúng ta chú ý tránh để dịch chồng dịch, vừa cúm A, vừa sốt xuất huyết, vừa Covid-19, nếu xảy ra biến thể có diễn biến sẽ rất nặng”, bà Đào Hồng Lan khuyến cáo.

Đối với bệnh đậu mùa khỉ, bà Đào Hồng Lan đề nghị có giải pháp ứng phó, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh ngay tại cửa khẩu, và cho hay Bộ Y tế cũng sẽ nghiên cứu hướng dẫn liên quan đến kiểm soát đậu mùa khỉ tại cửa khẩu để các địa phương có thể triển khai ngay. Các địa phương cần theo dõi dịch bệnh, hết sức chú ý để đánh giá tình hình chủ động, xây dựng kịch bản, đánh giá nguy cơ.

Đối với dịch Covid-19, theo bà Đào Hồng Lan, ngành y tế các địa phương cần thực hiện triển khai có hiệu quả trong các công điện của Thủ tướng; phân tuyến phân luồng, khám sàng lọc, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao, người già, trẻ em. Đặc biệt chú ý nhóm chưa nhiễm lần nào tránh tư tưởng chủ quan.

Với các trường hợp nhiễm bệnh, hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin. Đề nghị các địa phương chú ý trong tháng 8 tập trung tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

“Tốc độ của chúng ta hiện rất chậm, còn 28 ngày nữa là hết tháng 8, các địa phương cần có lộ trình, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em, để các em được đi học trong môi trường an toàn”, bà Lan lưu ý.

Tháo gỡ vướng mắc chế độ chính sách

Lần đầu tiên điều hành cuộc họp trực tuyến toàn quốc trên cương vị người đứng đầu ngành y tế, bà Đào Hồng Lan gửi lời tri ân, động viên, chia sẻ với khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ y tế trong suốt thời gian qua.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những nguyện vọng, đề xuất của đội ngũ cán bộ y tế, cố gắng tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách, khó khăn trong ngành. Về lâu dài, sẽ trình các cấp có thẩm quyền sửa luật, sửa nghị định.

Hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tại điểm cầu Bộ Y tế

T.Hằng

Mặt khác, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị ngành y tế các địa phương trên cơ sở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện có, rà soát triển khai có hiệu quả. Đơn cử như Hà Nội, TP.HCM tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các cơ chế chính sách nâng cao năng lực, củng cố y tế cho tuyến cơ sở, y tế dự phòng.

Bà Lan bày tỏ: “Tôi về ngành một thời gian ngắn, nhưng thấy có tâm lý lo sợ trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Cơ chế chính sách đã được ban hành, nhiều địa phương làm được, trên cơ sở tinh thần công khai, minh bạch, nếu có khó khăn, sở y tế các địa phương báo cáo lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ. Những gì thuộc trách nhiệm của bộ, chúng tôi sẽ trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới”.

Tại Việt Nam, 7 tháng qua, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), gần 11.000 ca tử vong (0,1%). Từ cuối tháng 3, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận trong nước.

Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5, chủng Omicron của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.