Chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã mở ra triều đại Hậu Lê - triều đại tồn tại lâu nhất và phát triển bậc nhất trong lịch sử phong kiến VN. Trong việc trị nước, nhà Hậu Lê xây dựng Quốc triều hình luật, thường được gọi là Bộ luật Hồng Đức vào khoảng năm 1470 - 1497. Bộ luật được đánh giá là đỉnh cao so với thành tựu pháp luật của các triều trước đó, chứa đựng nhiều giá trị nhân quyền mà thời đó ít thấy ở các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Với lối viết và dẫn giải đơn giản, mạch lạc, tác giả Trương Thị Hòa và Phan Đăng Thanh đã giúp người đọc có cái nhìn tổng quát về những thành tựu của nhà Hậu Lê và nắm bắt được những giá trị to lớn của Bộ luật Hồng Đức, đặc biệt trong lĩnh vực quyền con người. Có 20 quyền con người được thể hiện trong bộ luật đã được các tác giả chỉ ra, cùng những phân tích và dẫn chứng chi tiết: quyền bình đẳng, quyền học tập - thi cử, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người cao tuổi, quyền kiện cáo và được xét xử công bằng, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền được tự do cư trú và đi lại, quyền tự do tín ngưỡng - tôn giáo, quyền tiếp cận thông tin… Chẳng hạn, về quyền phụ nữ, trong Bộ luật Hồng Đức, phụ nữ VN thời đó đã được quy định có quyền từ hôn, được công nhận những đóng góp về tài sản trong thời kỳ hôn nhân (gọi là tân tạo tài sản). Hoặc nhà Lê đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin bằng quy định quan chức nhà nước phải cung cấp thông tin kịp thời để người dân được biết, không được chậm trễ. “Khi có chiếu lệnh của triều đình ban xuống mà các quan ty không sao lục và niêm yết ra để biểu thị cho quân dân biết rõ đức ý của vua, lại coi thường chiếu lệnh ấy là lời hão thì bị phạt, biếm chức hay bãi chức” (điều 220).
Sách do NXB Khoa học xã hội và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Trường Phương liên kết in ấn và phát hành; giá bìa: 179.000 đồng.
Bình luận (0)