Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực hiện được hơn 10 năm, trong đó, nêu 8 quyền của người tiêu dùng. Nói một cách khác, vị thế của người tiêu dùng theo luật quy định được nâng lên từ lâu. Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá, công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong xã hội còn có những hạn chế nhất định.
Đặc biệt, hiện tượng buôn bán hàng hóa, hoạt động dịch vụ vi phạm đến quyền của người tiêu dùng vẫn khá phổ biến, không chỉ diễn ra trực tiếp, mà gián tiếp, qua thương mại điện tử…
Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15.3 là sự kiện thường niên do Bộ Công thương phát động. Đánh giá về quyền người tiêu dùng trong thời đại số, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả quan trọng, tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: Công tác bảo vệ người tiêu dùng cần được hành động có sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa.
Đặc biệt tăng sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ngành công thương sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng và giải đáp nhanh, chính xác các thắc mắc. Ngoài ra, Bộ Công thương đã mở rộng hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng theo số 1800.6838 và tăng số lượng đầu mối tổng đài lên 52 điểm trên cả nước.
Liên quan đến chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn" của ngày quyền người tiêu dùng năm nay, có thể hệ thống một số lưu ý đối với khách hàng khi sử dụng hàng hóa dịch vụ.
Đó là người tiêu dùng có quyền được yêu cầu bồi thường và quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện.
Trong giao dịch, mua bán trực tuyến, người tiêu dùng phải chủ động lưu lại thông tin liên quan đến giao dịch sau khi mua hàng (hợp đồng mua bán, mã xác nhận đơn hàng, hóa đơn thanh toán, hóa đơn giao hàng, phiếu xác nhận giao/nhận…); liên hệ bên bán yêu cầu khắc phục hoặc bồi thường nếu có sai sót; đọc kỹ hướng dẫn, điều kiện sử dụng, bảo quản, hạn sử dụng.
Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng phải phản ánh, khiếu nại tới nhà cung cấp, ưu tiên giải quyết tranh chấp giữa 2 bên. Nếu không thương lượng được với bên bán, liên hệ đến các cơ quan tổ chức: Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sở công thương địa phương, tổng đài tư vấn hỗ trợ số 18006838… để được hỗ trợ.
Bình luận (0)