Doanh nghiệp “bất tuân” chỉ đạo
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đã thông tin về sự cố nhiều con lợn bị chết sau khi tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi do Công ty Navetco sản xuất.
Ông Long cho biết, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y các địa phương, Công ty Navetco và kiểm tra của đoàn công tác của Cục Thú y, đến ngày 26.8, Công ty Navetco đã cung ứng cho các tỉnh, thành 28.344 liều vắc xin.
Nhiều hộ chăn nuôi tại Phú Yên có lợn chết sau khi tiêm vắc xin của Công ty Navetco |
Đức Huy |
Các địa phương được cung ứng vắc xin sử dụng theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y là 4.494 liều, gồm 20 tỉnh, thành thì có 27 con lợn có phản ứng (chiếm 0,6%), ở mức bình thường như nhiều loại vắc xin khác.
Theo Cục Thú y, sự cố lợn chết sau tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi được ghi nhận xảy ra tại Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi, khiến 743 con lợn chết sau tiêm (chiếm tỷ lệ 4,2%). Cụ thể: Bình Định 282 con, Phú Yên 431 con và Quảng Ngãi 30 con.
Trong đó, Phú Yên và Quảng Ngãi là những địa phương không được chọn tiêm vắc xin, không có trong chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và hướng dẫn của Cục Thú y nhưng người dân các địa phương này vẫn mua vắc xin để tiêm cho các đàn lợn trên địa bàn.
Chia sẻ nhận định về nguyên nhân sự cố này, ông Nguyễn Văn Long cho rằng, Công ty Navetco cung ứng vắc xin cho các địa phương nhưng thiếu giám sát sử dụng. Chủ vật nuôi và thú y cơ sở sử dụng sai đối tượng. Cụ thể, đối tượng chỉ định tiêm là lợn 8 - 10 tuần tuổi nhưng bà con, thú y cơ sở đã sử dụng để tiêm tất cả các loại lợn.
Bên cạnh đó, vắc xin được sử dụng trong vùng chưa nắm bắt đầy đủ thông tin về dịch tễ dẫn đến khả năng khi tiêm vào đàn lợn hoặc có mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc có một số mầm bệnh khác. Thực tế, các đoàn công tác của Cục Thú y đã lấy mẫu bước đầu xét nghiệm và phát hiện có virus dịch tả lợn châu Phi thực địa, virus tai xanh, virus PCV2.
“Chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và hướng dẫn của Cục Thú y làm đúng là phải giám sát, kiểm tra rất kỹ và sau tiêm là phải theo dõi để nếu có phản ứng thì xử lý kịp thời nhưng toàn bộ công việc này phía doanh nghiệp không tuân theo chỉ đạo, hướng dẫn đã dẫn tới hậu quả như thế” ông Long nói.
Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan
Ông Nguyễn Văn Long cũng cho biết, ngay sau khi ghi nhận sự cố lợn chết tại các địa phương, ngày 25.8 vừa qua, Cục Thú y đã có văn bản nhắc nhở rút kinh nghiệm, có sự giám sát chặt chẽ khi triển khai tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Đối với địa phương có lợn chết, Cục Thú y đề nghị Công ty Navetco khẩn trương phối hợp khắc phục sự cố, trước mắt hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn chết ở mức 2 triệu đồng/con đối với lợn nái, lợn đực giống và 1 triệu đồng/con lợn thịt.
Ngoài ra, Công ty Navetco phải rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất vắc xin theo đúng quy định, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm những cá nhân tham gia cung ứng vắc xin nhưng không phối hợp với các địa phương giám sát.
“Đối các địa phương 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, chúng tôi đề nghị phải thu hồi toàn bộ vắc xin, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến quản lý, cung ứng vắc xin cho các đại lý, người chăn nuôi”, ông Long nói.
Bình luận (0)