Một nhóm bạn trẻ của dự án “Sách và Hành động” tại TP.Hải Phòng đã góp và xây dựng các tủ sách để khuyến khích văn hóa đọc trong cộng đồng.
Dự án tổ chức ngày đọc sách tại Nhà hát TP.Hải Phòng - Ảnh: V.N.K
|
Trong lễ hội khai bút đầu năm 2015 diễn ra ở khu tưởng niệm vương triều Mạc (huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), một quầy sách tự trả giá thu hút khá đông người đến đọc và mua.
Những cuốn sách cũ đủ thể loại, từ văn học, lịch sử tới sách khoa học, khảo cứu, truyện thiếu nhi... là thành quả mà các thành viên dự án “Sách và Hành động” tại TP.Hải Phòng quyên góp được từ các đợt vận động trước đó.
Đỗ Tiến Long, chủ nhiệm dự án cho biết, số tiền thu được sẽ được dùng để nhân rộng chính mô hình này.
“Dự án được thành lập tại Hải Phòng từ tháng 5.2014, nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đến nay, dự án này đã quyên góp được hơn 2.000 đầu sách, với tủ sách đọc miễn phí tại đền thờ nhà Mạc, Trường ĐH Hải Phòng và một quán trà trong thành phố”, Long cho biết.
Được biết, Long vốn làm việc cho một doanh nghiệp Nhật Bản với mức lương 8 triệu đồng/tháng, nhưng anh đã bỏ công việc này để theo đuổi niềm đam mê với sách.
Chị Lê Mai Lương (32 tuổi, nhân viên văn phòng) - cũng là thành viên của dự án - cho biết khi còn làm nhân viên khách sạn ở Hà Nội, chị đã gom lại những cuốn sách mà khách nước ngoài để lại, được 2 vali đầy. Khi chuyển về Hải Phòng, chị mang toàn bộ số sách này góp vào quỹ sách của dự án. Hiện, dự án còn hơn 1.000 cuốn, đã được phân loại, đóng thùng.
Long cho biết đang làm thủ tục để đặt một phòng đọc tại Trường THPT Năng khiếu Trần Phú và ở Vĩnh Bảo, một huyện có truyền thống hiếu học ở Hải Phòng. Dự án cũng đang phát triển câu lạc bộ “Cha mẹ cùng con đọc sách”, làm nơi trao đổi kinh nghiệm dạy con thói quen đọc sách.
Ông Ngô Minh Khiêm, Trưởng ban quản lý khu tưởng niệm vương triều Mạc cho biết, tủ sách của dự án “Sách và Hành động” Hải Phòng đã thu hút nhiều em học sinh ở địa phương tới đọc.
“Từ tủ sách này, tôi đang có ý tưởng kết hợp với thư viện thành phố phát triển thành một phòng đọc với nhiều đầu sách hơn, đặc biệt là sách lịch sử về nhà Mạc và tranh ảnh, bản đồ về chủ quyền biển đảo Tổ quốc, để các em học sinh ở địa phương có tư liệu để đọc”, ông Khiêm nói.
Bình luận (0)