Quyền im lặng

27/05/2015 05:30 GMT+7

Suy đoán vô tội - một trong những nguyên tắc trụ cột của tố tụng hình sự đã được ghi nhận trong 15 nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự VN, trong bản dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi sẽ được QH thảo luận trong ngày hôm nay.

Suy đoán vô tội - một trong những nguyên tắc trụ cột của tố tụng hình sự đã được ghi nhận trong 15 nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự VN, trong bản dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi sẽ được QH thảo luận trong ngày hôm nay.

Đây là tư tưởng pháp lý tiến bộ, với nội hàm, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Nhưng quyền im lặng vốn gắn liền với nguyên tắc suy đoán vô tội, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền chứ không phải có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội và nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng lại chưa được thừa nhận trong bộ luật này. Các chuyên gia đều cho rằng, quyền im lặng là một phương tiện quan trọng để hạn chế bức cung, nhục hình - nguyên nhân dẫn đến oan sai trong tố tụng hình sự.

Theo điều 229 bộ luật Tố tụng hình sự, nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì HĐXX, kiểm sát viên, người bào chữa tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án. Điều luật này gián tiếp công nhận quyền được im lặng của bị cáo tại phiên tòa. Nhưng đối với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam thì chưa có một quy định nào, dù chỉ gián tiếp đề cập đến quyền được im lặng như trên.

Trên thực tế, không hiếm trường hợp cơ quan tố tụng dùng nhục hình, mớm cung, ép cung, thậm chí cho rằng bị can, bị cáo không khai báo là ngoan cố chối tội và thành kiến với họ.

Không quy định quyền được im lặng của bị can, bị cáo trong các giai đoạn tố tụng, là khoảng trống pháp lý, tạo cơ hội cho một số cơ quan tố tụng có thể vận dụng sai nguyên tắc suy đoán vô tội.

Đã ghi nhận suy đoán vô tội như một nguyên tắc cơ bản thì cũng nên thiết kế các điều luật để thể hiện “quyền im lặng” của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Họ phải “được quyền không khai báo cho đến khi có mặt của người bào chữa, trừ trường hợp tự nguyện khai báo”.

 Trong các điều 40, 41, 42 và 43 của dự thảo về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có bổ sung quy định: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến. Nhưng để đảm bảo quyền con người được quy định trong Hiến pháp 2013 và nguyên tắc suy đoán vô tội như vậy cũng chưa đủ, cần phải quy định rõ: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai hoặc từ chối trình bày lời khai.

 Quy định “quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo không phải là tạo thêm rào cản cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà ngược lại sẽ góp phần tích cực nâng cao nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Đồng thời cũng nâng cao vị trí, vai trò của luật sư, trợ giúp viên pháp lý bào chữa, thực hiện đúng đắn chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.